Vì sao khách tới Phú Quốc giảm?

Cao Quân Đạt

Well-known member
Ngoài giá vé máy bay tăng cao, lượng khách đến Phú Quốc gần đây suy giảm còn do tình trạng kinh doanh du lịch "ăn xổi", thiếu bền vững.

Kỳ nghỉ lễ 30/4, Phú Quốc là một trong số ít các điểm du lịch trong nước có lượng khách sụt giảm so với năm ngoái. Trong 5 ngày nghỉ, "đảo ngọc" đón hơn 112.000 lượt khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ, tổng thu khoảng 132,5 tỷ đồng, giảm 24%. Tỷ lệ kín phòng gần 60%. Trong đó, du khách đến Phú Quốc bằng đường hàng không giảm gần 30%. Năm 2022, kể từ sau khi du lịch mở cửa, Phú Quốc, vốn được coi là hòn đảo nghỉ dưỡng đẹp, đón 4,7 triệu lượt khách, tỷ lệ kín phòng luôn ở mức 80%-90%, kể cả vào mùa thấp điểm.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, cho rằng "nguyên nhân chính của việc suy giảm khách là giá vé máy bay tăng cao. "Nhiều du khách đặt tour đến Phú Quốc phải huỷ vì giá vé máy bay", ông Hưng nói.

Thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội tới Phú Quốc dao động từ 7 đến 10 triệu đồng, từ TP HCM khoảng 3,5 triệu đồng, tăng gần 20% năm ngoái. So với các điểm đến biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, khách đến Phú Quốc không có nhiều lựa chọn di chuyển ngoài máy bay.

Ông Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, cũng cho rằng giá vé máy bay tăng mạnh góp phần khiến du lịch Phú Quốc sụt giảm. Tuy nhiên, địa phương cần xem đây là một chỉ dấu để tổng rà soát các vấn đề như giá cả, an ninh trật tự, dịch vụ.

Chủ tịch UBND TP Phú Quốc thừa nhận thời gian trước địa phương chỉ chú trọng phát triển hạ tầng lưu trú hạng sang như các khách sạn 4-5 sao, resort. Hiện có khoảng 14.000 phòng khách sạn thuộc phân khúc từ trung cấp đến cao cấp, chiếm gần 50% lượng phòng nghỉ của toàn thành phố, theo thống kê của Savills Hotels. Trong khi đó, chưa có nhiều lựa chọn mới cho du khách thu nhập bình dân, dẫn đến kém sức hút đối với phân khúc này. Nhiều khu nghỉ từ 3 sao trở xuống đều đã được xây dựng từ 10 đến 15 năm trước.

Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long lo ngại Phú Quốc giống một số nơi, sau khi tăng trưởng nóng về du lịch đã có "những biểu hiện thiếu chăm chút". Việc quá lệ thuộc vào các dịp lễ, Tết, mùa hè dẫn đến "tình trạng chụp giật, ăn xổi".

Chợ Dương Đông vắng khách dịp 30/4. Ảnh: Ngọc Tài


Chợ Dương Đông vắng khách dịp 30/4. Ảnh: Ngọc Tài

Lễ 30/4, Kiều, du khách Quảng Nam, đến Phú Quốc du lịch cùng bố, được chỉ quán hải sản "ngon, bổ, rẻ" nhất nhì Phú Quốc song cô vẫn bất ngờ về giá. Sò lụa ở Quảng Nam chỉ 50.000 - 60.000 nghìn một kg nhưng ở Phú Quốc là 300.000 đồng/kg, ghẹ 800.000 đồng/kg trong khi loại cùng kích cỡ ở quê cô là 400.000 - 450.000 đồng.

Theo khảo sát của VnExpress trưa 11/5, tại một số chợ ở thị trấn Dương Đông, tôm biển (ướp đá) từ 120.000-260.000 đồng/kg, ghẹ 180.000 đồng/kg (loại vừa), sò lụa 40.000 đồng/kg, nghêu 50.000 đồng/kg, sò huyết 120.000-190.000 đồng/kg. Tại nhà hàng, trong những ngày lễ 30/4, ghẹ có giá từ 700.000-850.000 đồng/kg, tôm 900.000-1.200.000 đồng/kg, tôm tích hơn một triệu đồng/kg.

Bà Tuyết, kinh doanh nhà hàng ở Phú Quốc, cho biết đa số cơ sở kinh doanh ăn uống trên đảo bị phụ thuộc nhiều vào tài xế taxi và cạnh tranh nhau theo cách tăng phần trăm chiết khấu cho tài xế. "Mức chung khoảng 20%, cao là 25-30%, con số thực sự rất lớn. Chiết khấu cao buộc các cơ sở phải đẩy giá bán cao và người chịu thiệt là khách hàng", bà Tuyết nói.

Một chủ nhà hàng cũng chia sẻ từng bị tài xế taxi "làm luật". Do không chịu mức ăn chia 20%, tài xế không đưa khách đến nhà hàng của họ. "Họ còn bôi nhọ chúng tôi và hướng khách đến những nơi trả chiết khấu cao hơn", người này nói và cho biết việc bôi nhọ gồm nói xấu về chất lượng thức ăn, gây ngộ độc.

Tuấn, người làm trong ngành nhà hàng ở Phú Quốc 6 năm, cho biết chuyện ăn chia hoa hồng với tài xế đã có từ lâu nhưng ban đầu khoảng 5-10%. Sau khi cầu cảng ra làng chài Hàm Ninh bị phá dỡ, các chủ nhà hàng phụ thuộc vào tài xế nhiều hơn, do nhiều du khách không thể tự tìm được đường đến. Các tài xế thậm chí lập một nhóm hoạt động trên mạng xã hội với số lượng lớn thành viên, "đánh hội đồng" các nhà hàng "thiếu hợp tác".

Tour 4 đảo ở Phú Quốc dịp 30/4 không còn cảnh chen chúc. Ảnh:Trương Phú Quốc

Tour 4 đảo ở Phú Quốc dịp 30/4 không còn cảnh chen chúc. Ảnh:Trương Phú Quốc

Tuân, travel blogger từng mê đắm vẻ đẹp của Phú Quốc đúng như tên gọi "đảo ngọc", với rừng nguyên sinh xanh thẳm, biển sạch, nhiều san hô cùng hệ sinh vật biển phong phú. Tuân đã trở lại không dưới 10 lần nhưng gần đây anh thất vọng, dự định sẽ không quay lại.

"Tôi cho rằng giá đắt chỉ là lý do nhỏ khiến nhiều người không đến đảo ngọc. Nơi đây dần mất đi chất riêng", anh nói.

Rác thải, môi trường ô nhiễm, quy hoạch và quản lý chưa tốt là thực trạng ở Phú Quốc mà nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước nhắc tới. Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Viet Circle, nhận xét Phú Quốc hiện "khá nhiều bê tông" và bắt đầu giống với nhiều trung tâm du lịch khác. Trong khi đó, thứ giữ chân và thu hút du khách chính là bãi biển đẹp cùng thiên nhiên hoang sơ.

Giai đoạn 2011-2017, Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc Phú Quốc buông lỏng quản lý khiến nở rộ tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm phân lô, tách thửa. Giai đoạn 2016-2017, dù pháp luật chưa cho phép song Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh đồng ý cho tách thửa hơn 17.800 trường hợp trên đất nông nghiệp kéo theo tình trạng mua bán diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Cuối năm ngoái, chính quyền thành phố biển đã vào cuộc khi truyền thông phát hiện hàng loạt công trình xâm phạm khu bảo tồn biển Phú Quốc rộng 40.000 ha. Một nhà đầu tư còn tìm cách xây kè lấn biển tại một hòn đảo đẹp hàng đầu ở Phú Quốc; hàng chục bungalow xây trái phép trên mặt biển, xâm phạm khu bảo tồn. Chính quyền mất gần nửa năm để hoàn tất thủ tục, cưỡng chế tháo dỡ các bungalow đầu tiên. Thanh tra tỉnh Kiên Giang còn phát hiện 774 trường hợp chiếm đất do nhà nước quản lý, hơn 200 khu phân lô bán nền tự phát, gần một nghìn vụ vi phạm đất rừng xảy ra ở Phú Quốc.

Ba năm trước, thanh tra Chính phủ từng chỉ ra Kiên Giang chưa thật sự chú trọng đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt tại Phú Quốc, lượng nước thải, rác thải thực tế đều vượt nhiều lần so với dự báo, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Phú Quốc hiện chưa có nhà máy xử lý rác hiệu quả vì công nghệ lạc hậu. Gần 200 tấn rác thải của thành phố vẫn phải chất đống ngoài bãi rác tạm - nơi đã tồn đọng gần 200.000 tấn rác.

Ông Phan Đình Huê cho rằng Phú Quốc cần giữ được bản sắc của mình là một khu du lịch biển, thiên nhiên, phù hợp cho khách nghỉ dưỡng. Hội An (Quảng Nam) là ví dụ cho việc thành công nhờ giữ được định vị ban đầu là một phố cổ, mạnh về yếu tố di sản. Đà Nẵng cũng phát triển du lịch biển và hội nghị nhưng không tác động quá nhiều vào thiên nhiên.

"Có giai đoạn, Phú Quốc phát triển nóng quá nên công tác quản lý dường như không theo kịp. Phú Quốc còn thời gian và nên tập trung lại phát triển du lịch một cách bền vững, gắn với thiên nhiên và văn hóa địa phương", ông nói.
 
Bên trên