Vì sao tủ lạnh có thể phát nổ?

Từ Minh Quân

Well-known member
Tủ lạnh ít được người dùng để ý đến vấn đề an toàn, nhưng nó có thể phát nổ bất ngờ và không có tín hiệu cảnh báo trước.

Ngày 7/7, The Paper đưa tin một vụ nổ "như bom" do tủ lạnh gây ra ở cửa hàng kem ở Hà Nam (Trung Quốc) đã khiến một người thiệt mạng và một người bị thương. Nguyên nhân là trong quá trình rã đông đá, chủ nhà dùng vật sắc nhọn để cạy lớp tuyết phủ, gây thủng dàn lạnh, dẫn đến rò rỉ ga và phát nổ.

Vào tháng 4, một sự cố tương tự cũng được ghi nhận tại quận Person, Carolina (Mỹ). Khi đang làm việc ở phòng khách, bà Lenore Satterthwaite nghe "tiếng nổ lớn như động đất" ở nhà bếp. Khi xuống đến nơi, bà phát hiện chiếc tủ lạnh mới mua chưa được một năm đã vỡ tung, tường nhà có những lỗ hổng lớn, cửa tủ, đồ đạc nhà bếp vương vãi. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận Person điều tra và kết luận nguyên nhân vụ nổ không phải chập điện, mà có thể do dàn lạnh có vấn đề.

Căn bếp nhà bà Lenore Satterthwaite bị thổi tung khi tủ lạnh phát nổ hồi tháng 4/2023. Ảnh:  Lenore Satterthwaite

Căn bếp nhà bà Lenore Satterthwaite sau khi tủ lạnh phát nổ hồi tháng 4. Ảnh: Lenore Satterthwaite

Năm 2017, một vụ ở London khiến một chung cư bốc cháy. Trước đó, Samantha Thomas ở xứ Wales cũng mất mạng vì chiếc tủ lạnh.

Neil Everitt, cựu biên tập viên của tạp chí điều hòa và điện lạnh ACR News, gọi những sự cố nổ tủ lạnh là "thảm họa bị bỏ qua". Theo ông, tủ lạnh là thiết bị nguy hiểm trong nhà vì đa số thiết bị điện tử khác trước khi phát nổ thường bốc khói hoặc có tiếng báo động, còn tủ lạnh có thể bất ngờ phát nổ mà không có dấu hiệu cảnh báo khiến người dùng không kịp trở tay.

Nguyên nhân tủ lạnh phát nổ

Lý do khiến tủ lạnh phát nổ thường nằm ở cơ chế làm mát. Phía sau tủ có một bộ tản nhiệt, máy nén. Nguyên tắc làm mát tương tự điều hòa ở chỗ nó luân chuyển môi chất lạnh qua máy nén để đạt hiệu quả làm lạnh. Hầu hết tủ trên thị trường dùng dung môi làm lạnh R-600a (isobutane). Đây là chất không màu, không mùi, dễ cháy và dễ phát nổ khi trộn với không khí.

Một mẫu tủ lạnh gia  dùng dung môi làm lạnh là khí R-600a. Ảnh: Khương Nha

Một mẫu tủ lạnh gia đình dùng dung môi làm lạnh là khí R-600a. Ảnh: Khương Nha

Dù dễ cháy nổ nhưng R600a có hiệu suất làm lạnh cao, chi phí sản xuất thấp, ít gây ô nhiễm môi trường. Loại gas này được sử dụng rộng rãi ở các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Thông thường, chất được đặt kín trong đường ống. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp gas bị rò rỉ, tiếp xúc với không khí, tạo phản ứng hóa học và phát nổ.

Một trong những sai lầm phổ biến của người dùng là rã đông đá bằng dao hoặc các vật sắc nhọn. Nhiều ngăn đông tủ lạnh sau thời gian dài sử dụng thường bị đóng đá hoặc tuyết ở cạnh. Người dùng thường lấy vật cứng, nhọn để cạy lớp đóng băng này, giúp tủ làm mát tốt hơn nhưng vô tình làm rách thành của ngăn đông, khiến chất làm lạnh bị rò rỉ.

Một nguyên nhân khác là vị trí đặt tủ trong môi trường kín, tản nhiệt kém, nhiệt độ cao có thể khiến các mối hàn bị hở. Ngoài ra, đặt tủ trong môi trường ẩm ướt hoặc dùng trong thời gian dài cũng khiến các đường dẫn khí bằng kim loại bị ăn mòn, dẫn đến cháy nổ.

Cách phòng tránh

Để hạn chế nguy cơ, người dùng không vệ sinh đá ở ngăn đông bằng vật sắc nhọn. Ngoài ra, cần chọn vị trí đặt tủ phù hợp. Không nên đặt ở chỗ quá kín, sát tường hoặc quá ẩm. Mặt sau của tủ cần một khoảng trống để tản nhiệt. Người dùng cũng cần để tủ tránh xa đồ dễ bắt lửa.

Nếu tủ quá cũ, cần xem xét thay mới để đảm bảo an toàn.

Hầu hết vụ nổ tủ lạnh diễn ra bất ngờ, không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Tuy nhiên theo Wayne Archer, chuyên gia điện gia dụng của Sears Home Services, người dùng có thể để ý đến tiếng kêu của tủ. Bình thường, máy nén chạy sẽ tạo ra tiếng kêu vo ve, ổn định ở tần số cao. Nhưng nếu tủ lạnh phát ra âm thanh chói tai, hoặc tệ hơn là không có tiếng ồn nào, có thể dây dẫn khí làm lạnh đã bị tắc. Trong trường hợp này, người dùng cần rút điện, gọi kỹ thuật viên đến kiểm tra và làm sạch các cuộn dây ngưng tụ.
 
Bên trên