Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các kịch bản lừa đảo do ChatGPT và DeepFake

Báo cáo tổng kết An ninh mạng Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 do Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) công bố ngày 12/12 đã đưa ra nhiều dự báo về những tấn công lừa đảo nhắm vào người dùng mạng xã hội và di động. Đáng chú ý, ChatGPT và DeepFake sẽ được sử dụng để tự soạn các kịch bản lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.



Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các kịch bản lừa đảo do ChatGPT và DeepFake- Ảnh 1.
Năm 2024 dự báo sẽ có nhiều kịch bản lừa đảo dựa vào công nghệ AI. Ảnh minh họa



13.900 vụ tấn công mạng trong năm 2023

NCS ghi nhận trong năm 2023 có 13.900 vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức tại Việt Nam. Như vậy, trung bình mỗi tháng xảy ra 1.160 vụ, tăng 9,5% so với năm 2022. Các mục tiêu chịu nhiều cuộc tấn công nhất trong năm 2023 là các cơ quan chính phủ, hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, hệ thống công nghiệp và các hệ thống trọng yếu khác.

Đặc biệt, trong 3 tháng cuối năm 2023, số vụ tấn công mạng tăng mạnh, lên tới 1.614 vụ trong 1 tháng, gấp rưỡi so với trung bình. Nguyên nhân do thời điểm cuối năm, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có nhiều dự án công nghệ thông tin cần hoàn thành, nhân sự thường phải hoạt động trên 100% năng suất nên khả năng xảy ra nhiều sai sót, đây cũng là cơ hội để hacker có thể tấn công, phá hoại.

Hiện có 3 điểm yếu bị tấn công nhiều nhất tại Việt Nam năm 2023 được các chuyên gia NCS chỉ ra. Thứ nhất là điểm yếu con người (chiếm 32,6% tổng số vụ việc). Theo đó, hacker sử dụng email giả mạo (phishing) có file đính kèm mã độc dưới dạng file văn bản hoặc nội dung có đường link đăng nhập giả mạo để chiếm tài khoản, kiểm soát máy tính người dùng từ xa.

Thứ hai là lỗ hổng của các nền tảng, dịch vụ phần mềm cài đặt trên máy chủ (chiếm 27,4%). Các phần mềm bị khai thác là phần mềm Mail Server, nền tảng quản lý nội dung, nền tảng chia sẻ dữ liệu… Điểm yếu thứ 3 là các lỗ hổng của website do tổ chức tự phát triển chiếm 25,3% số vụ việc.

Không chỉ thu thập, sửa đổi và đánh cắp dữ liệu, hacker còn công khai chèn các đường dẫn ẩn (backlink) quảng cáo nội dung vi phạm pháp luật như cờ bạc, cá độ lên các website chính thống. Theo thống kê, có tới 342 trang web giáo dục có tên miền .edu.vn và 212 trang web của cơ quan chính phủ có tên miền .gov.vn đã bị tấn công theo kiểu này. Đặc biệt, có nhiều website bị tấn công lại nhiều lần mà không có cách khắc phục triệt để.



Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các kịch bản lừa đảo do ChatGPT và DeepFake- Ảnh 2.
Hacker khai thác các lỗ hổng để chèn đường ẩn có mã độc.



Ngoài ra, theo tổng hợp của NCS, tỷ lệ máy tính tại Việt Nam bị mã độc tấn công trong năm 2023 là 43,6%, tuy có giảm nhẹ 8,6% so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao của thế giới. NCS ghi nhận, nhiều vụ việc tấn công mã hoá dữ liệu ransomware gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, không chỉ mã hóa dữ liệu nhằm đòi nạn nhân trả tiền chuộc, tin tặc có thể rò rỉ, bán dữ liệu cho bên thứ 3 để tối đa số tiền thu được. Theo đó, đã có tới 83.000 máy tính, máy chủ ghi nhận bị tấn công bởi mã độc mã hoá dữ liệu, tăng 8,4% so với năm 2022.

Đặc biệt, quý 4/2023 số cuộc tấn công mã hoá dữ liệu tăng mạnh, vượt 23% so với trung bình 3 quý đầu năm. Số lượng biến thể mã độc mã hoá dữ liệu xuất hiện trong năm 2023 là 37.500 mã, tăng 5,7% so với năm 2022.

Các hình thức tấn công mã độc phổ biến tại Việt Nam hiện nay là tấn công dò mật khẩu yếu, khai thác lỗ hổng của hệ điều hành Windows, lỗ hổng của phần mềm Microsoft Office, lây qua các phần mềm không rõ nguồn gốc trên mạng hoặc lây qua các ổ đĩa USB.


Trong đó, theo các chuyên gia NCS, tình trạng lộ lọt dữ liệu của người dùng tại Việt Nam đã ở mức báo động. Theo đó, Bộ Công An đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu các vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân. Nghiêm trọng hơn, các dữ liệu này đã được rao bán trên các diễn đàn, thậm chí rao bán trên cả trên cả các hội nhóm Telegram, chỉ cần bỏ ra vài nghìn đồng là có được dữ liệu cá nhân của một người thông qua số điện thoại liên lạc.

Theo chuyên gia, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến lộ lọt dữ liệu tại Việt Nam. Thứ nhất, do các hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin người dùng không đảm bảo an ninh, từ đó bị tin tặc (hacker) xâm nhập lấy cắp dữ liệu hoặc bị nhân viên chủ động bán ra ngoài thu lợi bất chính. Thứ hai là do người dùng chủ quan, bất cẩn tự mình lộ lọt thông tin trên mạng hoặc trên các website mua bán trực tuyến.

Năm 2024 sẽ có nhiều kịch bản lừa đảo mới

Bên cạnh các hình thức bị tấn công do mã độc thì người dùng mạng xã hội và di động còn phải đối mặt với các hình thức lừa đảo khác. Nguyên nhân là do sim rác, tài khoản ngân hàng rác tràn lan, dữ liệu cá nhân bị lộ lọt cùng với sự phổ biến của công nghệ DeepFake đã kéo theo hàng loạt vụ việc lừa đảo trực tuyến xảy ra trong năm 2023.

Kẻ xấu dựa vào dữ liệu có được, dựng lên các kịch bản dành riêng cho từng mục tiêu, đồng thời sử dụng DeepFake để giả mạo hình ảnh, giọng nói, khiến cho nạn nhân rất khó phát hiện. Theo thống kê của NCS, có tới hơn 24 hình thức lừa đảo khác nhau. Nhiều trường hợp nạn nhân đã bị mất cả tỷ đồng.



Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các kịch bản lừa đảo do ChatGPT và DeepFake- Ảnh 3.
Hướng dẫn phân biệt cuộc gọi nhờ công nghệ AI.



Đáng chú ý, nhiều kịch bản lừa đảo mới sẽ xuất hiện trong năm 2024 do trí tuệ nhân tạo bùng nổ, đặc biệt là ChatGPT sẽ là cơ hội cho tội phạm mạng sử dụng làm công cụ để xây dựng kịch bản, phục vụ mục đích xấu như lừa đảo, tấn công mạng nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Mã độc và các công cụ khai thác lỗ hổng sẽ được trang bị thêm AI để tăng khả năng khai thác lỗ hổng cũng như giúp qua mặt các giải pháp an ninh mạng.

Chưa kể, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ khiến điện thoại thông minh trở nên vô cùng quan trọng trong đời sống cũng như công việc, nhưng cũng trở thành miếng mồi rất hấp dẫn với tin tặc. Người dùng di động sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các loại mã độc có khả năng xâm nhập, khai thác lỗ hổng, chiếm quyền điều khiển điện thoại, bao gồm cả các điện thoại chạy hệ điều hành Android và hệ điều hành iOS.

Ngoài ra, dự báo trong năm 2024, các hình thức tấn công mạng, tấn công có chủ đích APT vào các hệ thống trọng yếu, tấn công mã hoá dữ liệu sẽ tiếp tục tiếp diễn; cũng sẽ có những đợt tấn công quy mô lớn nhắm vào các thiết bị IoT, đặc biệt các thiết bị có khả năng thu thập thông tin, hình ảnh như camera an ninh, màn hình quảng cáo công cộng.



Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các kịch bản lừa đảo do ChatGPT và DeepFake- Ảnh 4.
Ngân hàng khuyến cáo các hình thức lừa đảo nên đề phòng.



Trước những nguy cơ trên, NCS khuyến cáo người dân và các tổ chức nên bảo vệ dữ liệu cá nhân theo yêu cầu của Nghị định 13/2023/NĐ-CP vì chiến lược phòng thủ an ninh mạng sẽ có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, để phòng tránh tấn công mạng, các cơ quan, tổ chức cần rà soát lại kiến trúc an ninh mạng tổng thể, định kỳ kiểm tra, đánh giá (pentest) các dịch vụ, thiết bị đang sử dụng. Triển khai các hệ thống giám sát an ninh mạng 24/7, trong đó yêu cầu thu thập đầy đủ nhật ký hoạt động (log) của toàn hệ thống, đảm bảo lưu trữ trong ít nhất 6 tháng, đồng thời cử người chuyên trách hoặc thuê ngoài dịch vụ giám sát an ninh mạng.

Sự ra đời của Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân và sắp tới là nghị định về xử phạt liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ buộc các tổ chức thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu cá nhân phải có trách nhiệm tăng cường, nâng cao các biện pháp đảm bảo an ninh dữ liệu. Người dùng cũng cần nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhận diện các thủ đoạn lừa đảo, từ đó giúp bản thân có kỹ năng tự phòng vệ khi tham gia không gian mạng.
 
Bên trên