Vinh danh ẩm thực cố đô

Nguyễn May

Well-known member
Trong 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I, Huế có nhiều món ăn được vinh danh nhất, xứng đáng với thương hiệu “Kinh đô Ẩm thực”. Đây là niềm tự hào, hãnh diện của mảnh đất cố đô, của những người hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực và du lịch...

Ẩm thực Huế đứng đầu danh sách

Trong danh sách 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I, thuộc đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024” của Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam (VCCA), Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều món ăn được vinh danh nhất.

Bên dòng Hương thơ mộng, VCCA đã trao chứng nhận 6 món ẩm thực tiêu biểu của Thừa Thiên Huế. Đó là món ăn rất đỗi quen thuộc với người dân Huế và du khách gồm bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay, cơm hấp lá sen chay.

“Huế là địa phương duy nhất được chọn 6 món ăn. Đây là niềm tự hào, hãnh diện và vinh dự của địa phương, của những người hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực và du lịch. Kết quả này là sự ghi nhận, đánh giá cao của Ban giám khảo, của cộng đồng am hiểu ẩm thực đối với món ăn Huế”, ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ.

Vinh danh ẩm thực cố đô - 1

Chứng nhận 6 món ăn Huế lọt danh sách món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam.

Trước đó, khi nhận thông báo từ VCCA, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao Sở Du lịch đảm nhiệm việc đề xuất một số món ẩm thực của Huế. Sở Du lịch đã tham vấn ý kiến của một số nghệ nhân ẩm thực, chuyên gia về văn hóa, doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực... để chọn khoảng 20 món ăn gồm những món thông thường hằng ngày, món ăn chơi, món tráng miệng và món chay đăng ký “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hoá ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” giai đoạn I.

Để có hồ sơ chi tiết, Sở Du lịch phối hợp với một số nghệ nhân và đầu bếp có kinh nghiệm hoàn thiện phần xuất xứ, mô tả, nguyên liệu, cách thức chế biến, hình thức trang trí... Các nghệ nhân, những người nắm các món ẩm thực Huế đã tích cực tham gia, mang đến hiệu quả tốt.

Trong số 421 món ăn được đề cử của 60/63 tỉnh, thành, dựa trên tiêu chí định tính, định lượng, địa lý và vùng miền, hội đồng chuyên môn chọn ra 121 món tiêu biểu. Nếu chia đều cho 63 tỉnh, thành, mỗi địa phương có khoảng 2 món. Riêng xứ Huế có đến 6 món ăn lọt danh sách này.

“Theo tôi hiểu, các món được chọn trong đợt này căn cứ theo ba tiêu chí chính như thể hiện được đặc trưng ẩm thực vùng miền; có giá trị dinh dưỡng, tính khoa học cao; có thể thương mại hóa, đưa vào kinh tế ẩm thực để phát triển rộng rãi. Các món ăn của Huế được chọn lần này đều là món được nhiều người biết đến và cũng rất đặc trưng, thể hiện bản sắc văn hóa ẩm thực xứ Huế. Chúng có giá trị thực dưỡng, được các chuyên gia ẩm thực đánh giá cao. Đây còn là những món ăn phổ biến, dễ dàng phát triển thương mại, khi cần đem đi quảng bá vùng xa, việc chuẩn bị nguyên liệu không quá khó”, ông Phúc chia sẻ.

Vinh danh ẩm thực cố đô - 2

Bánh lọc Huế làm hài lòng bao thực khách khi có dịp đến Huế du lịch.

Trong đợt này, dòng ẩm thực phổ biến và dòng ẩm thực chay của Huế được chọn, còn chưa có món ăn mang phong cách cung đình. Theo lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, nguyên do là các nghệ nhân cùng Sở này nhận thấy, những món ăn này cần nguyên cứu kỹ lưỡng với việc tìm kiếm tư liệu, căn cứ thuyết phục hơn về nguồn gốc xuất xứ, các nguồn nguyên liệu thực tế có sẵn hiện nay cũng như cần tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia và một số hậu duệ của các đầu bếp Ngự thiện triều Nguyễn...

Cơ hội quảng bá rộng rãi ẩm thực cố đô

Xứng đáng với thương hiệu “Kinh đô Ẩm thực”, đây là cơ hội cho Thừa Thiên Huế quảng bá sản phẩm du lịch, nền ẩm thực... “Thông qua kênh của VCCA, công tác tuyên truyền, quảng bá được lan tỏa mạnh mẽ. VCCA cũng có chiến lược sẽ tư vấn, chọn một số món ăn trong danh mục ẩm thực tiêu biểu này đem đi nước ngoài trong sự kiện văn hóa, du lịch, thương mại và xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành. Qua đó, không chỉ món ngon mà văn hóa ẩm thực của Việt Nam nói chung, của Cố đô Huế nói riêng được quảng bá rộng rãi và có định hướng rõ ràng ra thế giới. Du lịch Thừa Thiên Huế được hưởng lợi rất lớn từ cơ hội này”, ông Phúc cho hay.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, khi 6 món ăn Huế này được công bố đã tạo động lực cho các doanh nghiệp về ẩm thực, doanh nghiệp gắn bó với ẩm thực trong nông nghiệp. Với doanh nghiệp về ẩm thực, sẽ nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và chỉn chu hơn, vì để đảm bảo được danh hiệu này, cần cố gắng đảm bảo chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao... Với doanh nghiệp gắn bó với ẩm thực trong nông nghiệp sẽ đầu tư, phát triển thêm trang trại, khu nguyên liệu... để cung cấp nguyên liệu chế biến ẩm thực.

“6 món này nằm trong rất nhiều món ẩm thực Huế nổi tiếng. Về lâu dài, để ẩm thực Huế giữ được danh tiếng, ngoài sự phong phú của món ăn, sự tinh tế, cầu kỳ trong chế biến, giá trị dinh dưỡng cần được khẳng định thông qua nguyên liệu và đúng theo công thức chế biến hay ý tưởng của người xưa...”, ông Phúc cho biết.

Vinh danh ẩm thực cố đô - 3

Cơm hấp lá sen chay.

Sau khi được trao chứng nhận, Sở Du lịch đã đưa thông tin lên các kênh truyền thông, gửi cho doanh nghiệp du lịch, khách sạn lữ hành biết đến và chia sẻ với đối tác, du khách.

Theo VCCA, 6 món ăn Huế chỉ là những đại diện đầu tiên trên chặng đường xây dựng thương hiệu Văn hoá Ẩm thực của Thừa Thiên Huế. VCCA mong nhận được nhiều hơn đề cử món ẩm thực đậm đà bản sắc của mảnh đất cố đô.

Với sứ mệnh tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy nền văn hoá ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, với định hướng biến di sản thành tài sản, VCCA triển khai đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”.
Đề án này thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam nhằm xây dựng “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hoá ẩm thực tiêu biểu Việt Nam - Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và chuyển đổi số cơ sở dữ liệu này thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam”, “Bảo tàng trực tuyến Ẩm thực Việt Nam”. Qua đó, góp phần tạo bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia, là tiền đề phát triển kinh tế Việt Nam.
 
Bên trên