Vừa dùng vừa sạc laptop, điện thoại có an toàn?

NgocSPSBC

Well-known member
Vừa dùng vừa sạc laptop, điện thoại có an toàn?
Điện thoại, laptop ngày nay được thiết kế để an toàn khi cắm sạc liên tục, nhưng thiết bị quá cũ, sử dụng sạc không chính hãng vẫn có thể gây cháy nổ.
Hầu hết điện thoại, laptop hiện dùng pin lithium-ion. Về mặt lý thuyết, mọi loại pin, trong đó có lithium-ion, khi sạc quá mức sẽ luôn có nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên thực tế, các nhà sản xuất laptop, điện thoại đều đã áp dụng tính năng bảo vệ tự động khi sạc. Cụ thể, khi pin đủ 100%, thiết bị điện tử sẽ ngắt mạch sạc. Nếu người dùng vẫn đang dùng máy khi pin đầy, điện sẽ chỉ dùng để nuôi nguồn cho máy hoạt động trực tiếp mà không sạc vào pin. Điều này giúp pin không bị sạc quá mức, bảo đảm an toàn.
Theo trang Lesy-battery, việc smartphone, laptop ngày nay phát nổ khi sạc kéo dài, sạc qua đêm hay vừa dùng vừa sạc rất khó xảy ra do các bộ củ sạc, bộ nguồn điều chỉnh dòng, áp trong thiết bị đều có đầy đủ tính năng bảo vệ. Một số hãng lớn như Apple thậm chí áp dụng cơ chế thông minh giúp kéo dài tuổi thọ pin. iPhone, MacBook sẽ tự động dừng ở mức sạc 80% nếu người dùng cắm qua đêm và tiếp tục sạc đến 100% khi gần sáng. Những dòng điện thoại, laptop chơi game hiệu năng cao thậm chí đòi hỏi máy phải được cắm sạc khi sử dụng nếu muốn hoạt động hết công suất.

Tuy nhiên, rủi ro cháy nổ vẫn có thể xảy ra và người dùng hoàn toàn có thể kiểm soát để hạn chế nguy cơ này.
Lý do khách quan đến từ nhà sản xuất khi sản phẩm bị lỗi sai trong thiết kế pin, dòng sạc. Trường hợp này hiếm xảy ra và các nhà sản xuất lớn đều sớm dừng bán hoặc đổi mới, thay thế pin, linh kiện lỗi. Năm 2016, Galaxy Note 7 từng gặp vấn đề về thiết kế khoang chứa pin và Samsung đã thu hồi gần như toàn bộ máy sau đó cũng như hoàn tiền cho khách hàng.

Nguyên nhân phổ biến khiến pin dễ bị cháy nổ là sử dụng sạc, cáp không chính hãng. Các loại sạc giá rẻ, hàng trôi nổi trên thị trường không thương hiệu thường không có các bộ ổn định dòng, chip bảo vệ quá nhiệt, quá dòng khiến chúng đem lại nguy cơ lớn cho smartphone hoặc laptop khi sạc. Dây sạc cũng là phụ kiện cần được quan tâm bởi máy hỗ trợ sạc nhanh cần chất lượng dây dẫn tốt để đảm bảo nguồn vào cao. Trong trường hợp này, việc sạc qua đêm hay vừa sạc vừa dùng sẽ khiến nguy cơ cháy nổ cao hơn bởi pin thường bị sạc "nhồi" gây tăng nhiệt mất kiểm soát.

Người dùng cũng không nên sử dụng điện thoại, laptop ở môi trường quá nóng. Theo khuyến cáo của Apple, Samsung, nhiệt độ pin hoạt động tốt nhất là 0-30 độ C, nếu nóng hơn, pin sẽ bị giãn nở và có nguy cơ gây cháy nổ. Vì vậy, cần tránh điện thoại tiếp xúc vùng nhiệt cao, đặc biệt khi đang sạc. Khi sạc phải đặt ở môi trường thông thoáng, thoát nhiệt tốt, không đặt dưới gối, đệm, chăn.
Với thiết bị điện tử, laptop đã quá cũ, thời gian sử dụng trên 5 năm hoặc pin có dấu hiệu "chai" (nhanh hết pin hơn hẳn lúc mới mua), người dùng cần thay pin mới, đem đến trung tâm ủy quyền của nhà sản xuất để kiểm tra. Pin "chai" cũng là nguyên nhân khiến máy tính, điện thoại chạy chậm, thời gian sử dụng ngắn hơn và dễ bị nóng máy hơn.

Theo chuyên gia công nghệ Vũ Trọng Minh, có thể khẳng định vừa sử dụng vừa cắm sạc không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy nổ. Các nhà sản xuất đều đã tính toán và không cấm việc này. Tuy nhiên, người dùng vẫn nên hạn chế vừa dùng vừa sạc bởi chúng không tốt cho tuổi thọ pin cũng như tăng nguy cơ trong trường hợp có thêm yếu tố tác động khác như sạc, cáp kém chất lượng, pin chai, môi trường nhiệt độ cao hoặc thiết bị lỗi.
 
Bên trên