Wo Long: Fallen Dynasty - Khó, rất khó, nhưng chơi quen thì rất đã tay

toringuyen0509

Well-known member
Wo Long: Fallen Dynasty - Khó, rất khó, nhưng chơi quen thì rất đã tay


Về cơ bản thì, nếu mới bắt đầu hoặc chưa quen với thể loại đâu đó 70% tổng thời gian anh em chơi , những gì anh em thấy sẽ là cái màn hình game over. Nhưng cái hay của trò chơi chính là việc dạy cho người chơi hai thứ, tính kiên nhẫn và phản xạ. Nếu như thuần thục cả hai khía cạnh này, thì ban đầu những cái chết trời ơi đất hỡi của anh em gây bực bội bao nhiêu, cảm giác đỡ được một đòn hiểm rồi phản công lại tạo ra cảm giác sung sướng tương tự.

Nếu nói Wo Long là trò chơi thuộc thể loại soulslike, có lẽ sẽ hơi bất công với Team Ninja. Họ từng tạo ra những tác phẩm cực kỳ thử thách, thuộc hai series Ninja Gaiden và Nioh. Không như những game chặt chém khác, hai series này đòi hỏi cả phản xạ lẫn quan sát để đỡ đòn, vì không phải cứ lao vào băm bổ là xong, đối thủ đánh cũng rất đau.

Wo Long cũng giống hệt như thế. Cái tên dịch tạm ra tiếng Việt là Ngọa Long, con rồng ẩn mình, chính là nhân vật chính mà anh em sẽ điều khiển, giữa thời kỳ Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Khác biệt lần này là, binh biến còn có sự hiện diện của một thứ năng lượng siêu nhiên, biến con người thành quái vật, và gọi được cả những quái thú lên để đánh nhau nữa. Phủ thêm lớp cốt truyện mang màu sắc siêu nhiên, lối chơi của Wo Long được nâng lên một tầm mới.

[IMG]


Tất cả những khen ngợi đó đều chỉ có giá trị, sau khi anh em vượt qua được con trùm của màn đầu tiên. Anh em xem clip chắc cũng thấy mình nằm đất ít nhất 3 chục lần trước khi kỹ năng kết hợp với rất nhiều may mắn giúp mình vượt qua được con trùm này. Team Ninja từ chối việc “nắm tay chỉ việc” cho anh em. Họ chỉ đưa ra những cơ chế điều khiển cơ bản, những chiêu thức võ công và cách tránh né đòn đánh của địch, rồi ngay màn đầu tiên đã bắt anh em đối mặt với một con boss cực kỳ khó nhằn.


Ranh giới giữa bỏ game và chơi tiếp cũng nằm ở đúng màn đấu trùm đầu tiên này. Vượt qua được Zhang Liang, mọi thử thách trong game đều sẽ trở nên dễ hiểu, và dễ thở hơn nhiều. Và cũng chính nhờ màn đấu trùm này, anh em sẽ thấy, Wo Long giống Sekiro hơn là Dark Souls. Sở dĩ nói vậy là vì, anh em sẽ phải hung hăng hơn trong những pha chiến đấu, sẵn sàng lăn xả để cản chiêu của đối thủ, và phải sử dụng rất nhiều kỹ năng phản đòn. Điều đó hoàn toàn trái ngược với lối chơi dè dặt chờ địch đánh xong để né, rồi tận dụng thời điểm đối thủ sơ hở cấu máu.

Yếu tố khiến anh em phải chơi chủ động và hung hăng hơn cũng được củng cố nhờ hệ thống chỉ số tinh thần, trong game gọi là Morale. Chỉ số này không phải level nhân vật, nhưng số càng cao thì cả tấn công lẫn phòng thủ của anh em càng mạnh.

Tinhte_Wolong2.jpg


Vậy là Wo Long biến thành một vòng tuần hoàn như thế này: Khắp màn chơi là những đối thủ được gọi là “yếu”, anh em có thể chiến đấu với chúng bao nhiêu lần cũng được để kéo Morale rank lên, tối đa 25 điểm để vào đánh trùm, gây sát thương đau nhất có thể. Nhưng rồi chẳng may, đâu đó giữa màn đấu trùm, anh em hơi hiếu thắng để bị phản đòn, hoặc đỡ trượt một đòn hiểm, thứ đáng lẽ ra nếu trúng sẽ tạo cho anh em lợi thế rất lớn. Thế là nằm, chơi lại, cày lại Morale vì bị tụt.

Đối với những người đã quen với Dark Souls, với Elden Ring, với Nioh hay cả Ninja Gaiden, lối chơi cũng không mấy xa lạ. Nhưng nếu là người mới, thấy Wo Long được khen, vào chơi thử, những giờ đồng hồ đầu tiên chắc chắn sẽ tạo ra cảm giác cực kỳ khổ sở.

Nói như vậy không đồng nghĩa với việc game khó đến mức vô lý. Trái ngược lại hoàn toàn, game rất công bằng. Địch làm được gì, anh em cũng làm được những điều tương tự. Một khi đã thuần thục cách điều khiển, biết cách làm thế nào để phản đòn hoặc đơn giản là ngăn đối thủ ra đòn, những chiêu thức anh em có thể thi triển là vô cùng đẹp mắt, đã tay và dồn được nhiều sát thương lên đối thủ. Không chỉ có phản đòn, anh em cũng có nút đỡ đòn cơ bản, nhưng lạm dụng khả năng này dễ mất thế tấn, bỗng nhiên trở thành bao cát cho địch tấn công. Kết hợp giữa đỡ và phản đòn, cùng những chiêu thức võ công luôn là điều khiến người chơi Wo Long mất rất nhiều thời gian để hiểu và làm được quen tay.

Tinhte_Wolong3.jpg


Chiều sâu lối chơi của Wo Long là thứ được Team Ninja rèn giũa qua những tác phẩm game họ đã phát triển trước đó. Nhưng cùng lúc, những vấn đề của hai phần Nioh trước đây cũng hiện diện trong Wo Long, dưới dạng hệ thống vật phẩm.


Từ việc chọn vật phẩm theo hệ gì phù hợp với lối chơi của anh em, cho đến nâng cấp chính những món vật phẩm ấy, tạo ra những dòng chỉ số phục vụ những nhu cầu riêng, rồi kết hợp chúng với lối chơi bao gồm cả hệ thống lên điểm kinh nghiệm theo kiểu ngũ hành và tuyệt chiêu, phải thừa nhận cơ chế nhập vai của Wo Long rất ấn tượng. Cái dở của hệ thống này là nó phức tạp quá mức cần thiết, trong khi lợi ích đem về không phải lúc nào cũng tương xứng với khoảng thời gian bỏ ra để nghiền ngẫm và nghiên cứ ra bộ build với chỉ số nhân vật tối ưu.

Đương nhiên vẫn có những người sẵn sàng bỏ rất nhiều thời gian để thu thập và nâng cấp vũ khí cùng trang bị để chiến đấu thoải mái nhất. Nhưng cùng lúc cũng có những người sẵn sàng mặc kệ kệ thống ấy, phụ thuộc hết vào sức mạnh cá nhân và phản xạ để đánh nhau trong game. Và cũng dám khẳng định, nhìn xong hệ thống loot đồ và nâng cấp vật phẩm, nếu chỉ tìm đến Wo Long để chơi thử vì tò mò, thì rất nhiều người sẽ bị ngợp bởi hệ thống mà Team Ninja đã tạo ra. Họ sẽ chỉ chọn những món đồ với con số lớn nhất, mặc lên người nhân vật và đi đánh nhau tiếp.

Tinhte_Wolong4.jpg


Một yếu tố nữa tạo ra sức hút cho Wo Long, vừa giúp cho game giảm đi phần nào độ khó chính là khả năng gọi đồng đội, dù là những người chơi khác thông qua chế độ Co-op qua mạng internet, hay những nhân vật có thể đồng hành cùng anh em, từ Quan Vũ đến Tào Tháo, từ Trương Phi đến Triệu Vân… Với sự hiện diện của những nhân vật đồng hành, Wo Long dễ hơn hẳn. Anh em có thể dồn sự chú ý của quái vật, của đối thủ hay thậm chí của boss, để rảnh tay thi triển những chiêu thức rất mạnh. Game này không hề “quân tử Tàu”, và nếu đi một mình, anh em rất có thể sẽ bị quây, không biết tập trung vào ai trước để chiến đấu. Hệ quả khi chơi game một mình là rất dễ cáu.

Tất cả những chi tiết gameplay ấy được đặt vào thế giới ảo, mà nếu anh em là một người yêu mến tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, ắt sẽ thấy vô cùng thân quen. Từ cuộc khởi nghĩa của giặc Khăn Vàng đến trận Hổ Lao Quan, nơi quân của Đổng Trác phải chiến đấu với liên minh 18 lộ chư hầu, mọi thứ đều được Team Ninja khắc hoạ và bẻ lái một cách vô cùng tài tình, để phù hợp với yếu tố cốt truyện mang tính siêu nhiên.
 
Bên trên