Xác tàu Titanic - mỏ vàng của ngành du lịch

Từ Minh Quân

Well-known member
Trong nhiều thập kỷ, du khách đã trả nhiều tiền để có cơ hội nhìn thoáng qua xác con tàu Titanic dưới đáy biển ngoài khơi đảo Newfoundland, Canada.

Phải mất tám giờ và 250.000 USD để du khách có thể nhìn thấy những gì còn sót lại của con tàu đắm nổi tiếng Titanic nằm ngoài khơi bờ biển St. John's, đảo Newfoundlandm, Canada.

Sáng 18/6, năm người (gồm ba khách và hai thủy thủ đoàn) lên tàu lặn Titan để thực hiện hành trình này. Con tàu mất liên lạc sau 1h45 phút lặn biển trong hành trình thám hiểm kéo dài tám ngày. Bất chấp nguy hiểm khi di chuyển ở độ sâu gần 4.000 m (nơi tàu đắm), đây là một cơ hội "không thể cưỡng lại" vì rất ít người được tận mắt thấy Titanic.

Phần mũi tàu Titanic trong chuyến thám hiểm vào tháng 8/2019. Ảnh: Atlantic Productions

Phần mũi tàu Titanic trong chuyến thám hiểm vào tháng 8/2019. Ảnh: Atlantic Productions

Hơn một thế kỷ sau khi con tàu bị chìm, sự quan tâm đến Titanic vẫn chưa bao giờ hết. Hầu hết mọi người thỏa mãn trí tò mò bằng cách ghé các bảo tàng, triển lãm khắp thế giới về con tàu này. Nhưng tận mắt chứng kiến Titanic thì không phải ai cũng có cơ hội.

Tàu Titanic bị đắm năm 1912. Mãi đến 1985, nhà thám hiểm địa lý quốc gia Mỹ Robert Ballard và nhà hải dương học người Pháp Jean-Louis Michel dẫn đầu một đoàn thám hiểm phát hiện ra nơi "an nghỉ" cuối cùng của con tàu. Ngay sau đó, Ballard có phiên điều trần trước quốc hội Mỹ và kêu gọi chính phủ công nhận xác tàu Titanic là một đài tưởng niệm hàng hải. Tháng 7/1986, Ballard đặt một tấm biển lên con tàu, yêu cầu không xáo trộn hiện trường để thể hiện sự tôn trọng và tưởng nhớ hơn 1.500 nạn nhân vụ đắm tàu.

Nhưng điều này không xảy ra. Thay vào đó, cuộc cạnh tranh xem ai được phép trục vớt các cổ vật từ con tàu nóng lên. Động thái này một phần là nỗ lực muốn bảo tồn các hiện vật từ tàu nhưng đa phần là muốn trục lợi từ khai thác, đấu giá, trưng bày cổ vật.

Trong khi các cuộc chiến pháp lý tranh giành quyền được ghé thăm và trục vớt diễn ra gay gắt tại tòa, các cuộc thám hiểm tới nơi tàu Titanic bị đắm vẫn diễn ra, tạo nên mảng thị trường du lịch nhỏ nhưng đắt đỏ.

Các nhà nghiên cứu, trục vớt và làm phim như James Cameron (đạo diễn bộ phim Titanic năm 1997) thực hiện nhiều chuyến đi đến con tàu. Những người khác cũng tương tự, chỉ cần có nhiều tiền.

Năm 1998, công ty Deep Ocean Expeditions của Anh là một trong những công ty đầu tiên bán vé với giá 32.500 USD để xem phần còn lại của tàu. Năm 2012, trưởng đoàn thám hiểm Rob McCallum cho biết công ty đang tổ chức vòng tham quan cuối cùng sau khi xuống xác tàu 197 lần. Những chuyến đi cuối này vào năm 2012 có giá 59.000 USD một người, hành trình dài 12 ngày và tối đa 20 khách một tour.

Bên trong tàu lặn Titan trong một chuyến tham quan xác tàu Titanic. Ảnh:OceanGate

Bên trong tàu lặn Titan trong một chuyến tham quan xác tàu Titanic. Ảnh:OceanGate

Đầu năm 2002, công ty du lịch Bluefish có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ, cũng tham gia vào thị trường lặn biển ngắm Titanic. Trong bốn năm tiếp theo, họ chỉ nhận 8 khách. 10 năm sau, họ bắt đầu bán tour trở lại với giá gần 60.000 USD một người.

Blue Marble, công ty có trụ sở tại London, đã bán vé với giá hơn 100.000 USD một người vào năm 2019. Thời điểm đó, đây là giá vé cao nhất để ngắm xác tàu. Sau đó, Blue Marble đã hợp tác với OceanGate Expeditions, công ty có tàu lặn Titan vừa gặp nạn, để tổ chức các chuyến tham quan.

Đến năm 2021, OceanGate Expeditions gia nhập thị trường béo bở này. Họ có hai chuyến thành công. Chuyến thứ ba được khởi hành năm 2023 và gặp nạn. Trước đó, OceanGate Expeditions dự kiến thực hiện 18 chuyến lặn biển trong năm nay.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những hoạt động tham quan xác tàu đã gây ra tác động xấu cho Titanic. Con tàu bị hư hại đáng kể sau khi va chạm với đáy biển, sắt bị hoen rỉ theo năm tháng. Chưa đầy một thập kỷ sau khi xác tàu được tìm thấy, người ta đã nhận thấy sự xuống cấp nhanh chóng của con tàu. Vào năm 2019, một cuộc lặn xác nhận các phần lớn của con tàu đang bị sập.

Ngày nay, khu vực xung quanh ngập rác, bao gồm vỏ bia và chai nước ngọt, quả cân, dây xích và lưới chở hàng từ những nỗ lực trục vớt. Năm 2001, một cặp đôi thậm chí đã kết hôn trong một chiếc tàu lặn nằm trên mũi tàu Titanic.

Ngay cả những người lặn ngắm không có ý định chạm vào xác tàu, họ vẫn có thể gây tác động, làm hỏng con tàu. Một đoàn thám hiểm được cho là đã đâm vào tàu Titanic và lờ đi thông tin về những thiệt hại mà họ đã gây ra.

Vì con tàu đắm nằm trong vùng biển quốc tế nên không một quốc gia nào có thể đòi quyền tài phán đối với Titanic. Nhưng đổi lại, nó đủ điều kiện để được bảo vệ theo Công ước của UNESCO về "Bảo vệ Di sản Văn hóa Dưới nước". Hơn 40 quốc gia tham gia công ước UNESCO có quyền cấm phá hủy, cướp bóc, bán và phân tán các đồ vật tìm thấy tại tàu. Vào năm 2012, xác tàu Titanic được công nhận là Di sản dưới nước cần được bảo vệ của UNESCO.

Tổng giám đốc UNESCO khi đó, Irina Bokova, nói rằng từ giờ Titanic có thể được bảo vệ an toàn và bày tỏ lo ngại về thiệt hại cũng như tình trạng cướp bóc mà vô số các tàu đắm cổ đối diện. Bokova gọi các tàu đắm là những địa điểm khảo cổ có giá trị khoa học và lịch sử. "Chúng là ký ức về bi kịch của con người, cần được đối xử tôn trọng", người đứng đầu UNESCO nói.
 
Bên trên