Yếu tố làm nên thành công trong nghề PR

Nhân viên PR (Public Relations) - một nghề khá hấp dẫn, hiện đại với mức lương không thấp, và thú vị hơn là bạn sẽ có nhiều cơ hội được gặp gỡ và tiếp xúc với những người nổi tiếng. Một nghề hấp dẫn như vậy tất nhiên sẽ có những đòi hỏi nhất định của nó.

Để rèn luyện mình trở thành một nhân viên PR chuyên nghiệp, bạn cần học theo từng bước sau:


Hiểu rõ PR là gì?

Một trong những lý do tạo nên sự thú vị trong nghề này đó là nó không chỉ gói gọn trong những công việc được định sẵn trong hợp đồng mà có thể thay đổi tùy theo tính chất công việc, tất cả đều được gọi dưới cái tên chung: quan hệ cộng đồng.

Những công việc thông thường là quảng bá hình ảnh, vận động hành lang, quan hệ truyền thông... Một số kiến thức bạn có thể được học trong trường tuy nhiên bên cạnh đó còn có một số lĩnh vực bạn cần tự tìm hiểu qua sách báo và internet; điều này giúp bạn có kiến thức nền tảng về những công việc đó.

Phát triển kỹ năng

Hầu hết các nhân viên PR đều đòi hỏi có một kiến thức rất rộng (nhiều trong số đó là do họ tự tìm hiểu) và viết được coi là một trong những kỹ năng cần có nhất của một người làm PR chuyên nghiệp. Viết phải rõ ràng và có tính thuyết phục.

Ngoài ra, để trở thành một nhân viên giỏi bạn cần xử sự điềm tĩnh, lịch sự và là người luôn tạo cảm giác thoải mái cho người nghe khi nói chuyện. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao nếu bạn là người hòa nhập nhanh với môi trường làm việc và có thể làm việc tốt dưới áp lực cao.


Bằng cấp

Với một tấm bằng đại học ở hầu hết các ngành như báo chí, marketing (tiếp thị), giao tiếp đều có thể thử sức với nghề này. Tuy nhiên để tuyển một nhân viên PR, nhà tuyển dụng ít khi để ý bạn tốt nghiệp ngành nào mà họ để ý đến kinh nghiệm thực tế mà bạn có.

Vì vậy, có nhiều người nói rằng PR là một trong những ngành không cần bằng cấp tuy nhiên lại cần rất nhiều kinh nghiệm thực tế nếu bạn muốn mình gây được sự chú ý đối với các nhà tuyển dụng.

Làm việc lấy kinh nghiệm
Một người có nhiều kinh nghiệm thực tế có thể có vị thế cao hơn những ứng viên khác trong quá trình tuyển dụng. Vì thế để bắt đầu kế hoạch trở thành một PR thực sự chuyên nghiệp bạn nên tìm kiếm một vị trí thực tập tại một cơ quan hay tổ chức nào đó để có được kinh nghiệm dù bạn vẫn đang còn đi học.

Chuẩn bị hồ sơ và tài liệu
Như nhiều công việc khác, bạn cần có hồ sơ (CV), thư đính kèm và thư giới thiệu khi nộp đơn xin việc. Ngoài ra, bạn sẽ cần có những vốn kiến thức ở bên ngoài như một vài bài báo được bạn viết sẵn để thể hiện khả năng viết, tập tài liệu tổng kết thông tin về những sự kiện bạn tham gia dù là với tư cách hỗ trợ hay người thực hiện chính.



Lập kế hoạch tìm kiếm vị trí phù hợp
“Sếp” tương lai của bạn có thể là một công ty, một tổ chức phi lợi nhuận, hay các công ty PR chuyên nghiệp. Bạn nên đọc báo, tìm kiếm trên mạng, và tham gia hội chợ việc làm hay các chương trình tư vấn việc làm trực tiếp.

Đôi khi, nếu bạn đã “chọn” được công ty bạn thích thì bạn nên gửi thẳng hồ sơ đến đó và sau đó vài ngày bạn gọi điện xin được hẹn gặp trực tiếp. Sự nhiệt tình đó thường làm các nhà tuyển dụng rất ưng ý.

“Đối mặt” với vòng phỏng vấn
Ngoại hình sáng sủa, khuôn mặt tỏ ra tự tin luôn là một lợi thế, bạn cần tập trung vào những kỹ năng bạn có qua đó chứng tỏ bạn đáp ứng hết mọi yêu cầu của nhà tuyển dụng đưa ra.

Hỏi lại nhà tuyển dụng những câu hỏi thông minh, đúng lúc về hướng phát triển trong tương lai của công ty và nói bóng gió rằng bạn đang có nhiều ý tưởng rất thực tế. Cuối cùng, bạn nói với họ rằng bạn luôn sẵn sàng được tiếp nhận công việc vào bất cứ lúc nào.
 
Bên trên