Ăn ngủ trái giờ giấc sinh học có nguy cơ mắc ung thư

Lê Linh

Administrator
Staff member
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc phá vỡ nhịp sinh học cơ thể làm gia tăng nguy cơ ung thư, và khi điều chỉnh lại nhịp sinh học thì nguy cơ giảm xuống.

Lydia Denworth là một nhà báo viết về khoa học từng được giải thưởng tại Mỹ. Cô cũng là tác quyển sách Tình bạn: Sự tiến hóa, sinh học và sức mạnh phi thường của mối quan hệ cơ bản của cuộc sống (Friendship: The Evolution, Biology, and Extraordinary Power of Life's Fundamental Bond).

Trong bài viết đăng trên Scienctificameria.com, cô cho biết thường thức dậy khoảng 7 giờ sáng, đi ngủ vào 10 giờ tối. Giờ ăn của cô cũng cố định. Cô cho rằng giờ giấc như vậy hơi máy móc nhưng giúp cô hoạt động hiệu quả hơn. Đây cũng là cách để cô không làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể. Việc giữ một giờ giấc cố định cho cơ thể có thể giúp nhiều người ngăn ngừa ung thư, theo một nghiên cứu gần đây.

Đồng hồ cơ thể là hệ thống sinh học bên trong cơ thể, có thể thay đổi các yếu tố sinh học để giúp chúng ta thích nghi với những thay đổi của môi trường chung quanh, ví dụ ánh sáng, đêm tối, nhiệt độ và đồ ăn nạp vào. Các nhịp sinh học này ảnh hưởng đến giấc ngủ, ăn uống, chức năng miễn dịch, và sự phát triển của tế bào.

Thời gian gần đây những nghiên cứu dịch tễ trên những người làm ca đêm cho thấy có sự liên kết giữa sự phá vỡ nhịp sinh học của họ với bệnh ung thư và các bệnh khác. Phần lớn bằng chứng liên quan đến ung thư vú và ở mức độ thấp hơn là ung thư tuyến tiền liệt. Các y tá làm việc theo ca trong khoảng 30 năm có nguy cơ ung thư vú cao hơn so với những người làm trong khoảng thời gian ngắn hơn, và những người làm việc thời gian hơn 30 năm càng có nguy cơ cao hơn nữa.


Vào năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới tái khẳng định và cập thêm các tuyên bố cho thấy làm việc theo ca có nguy cơ gây ung thư.

Các nghiên cứu gần đây có thêm bằng chứng liên quan đến các loại ung thư khác, gồm gan, phổi, trực tràng.

Selma Masri, một nhà sinh học tại Đại học California, cho rằng sự gián đoạn nhịp sinh học làm ảnh hưởng đến cách một số gene thể hiện, khiến một loại ung thư cụ thể là ung thư ruột kết tiến triển thêm.

Sự liên quan giữa thay đổi nhịp sinh học với ung thư

Có nhiều cơ chế trong mối liên hệ giữa ung thư với nhịp sinh học cơ thể. Thay đổi giờ sinh học làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất - tức các phản ứng hoá học để tạo ra năng lượng trong cơ thể. Điều này làm xáo trộn chức năng miễn dịch. Nó cũng ảnh hưởng đến quá trình sửa chữa DNA trong tế bào.

Tế bào của người trưởng thành cứ phân chia sau mỗi 18 hoặc 24 giờ, và một trong những chức năng của đồng hồ sinh học là nhắc nhở tế bảo phân chia vào ban đêm để tránh DNA bị phá vỡ bởi ánh nắng mặt trời. Khi nhịp sinh học bị thay đổi, tế bào không biết thời điểm nào cần phân chia. Chúng có thể phân chia nhanh hơn và trở thành khối u.

Người thường xuyên mất ngủ cũng có nguy cơ mắc ung thư

Thay đổi đồng hồ cơ thể không chỉ xảy ra ở những người làm việc theo ca. Điều này có thể xảy đến với những người thường xuyên mất ngủ - tương đương việc thức dậy trong thời gian 2-3 tiếng đồng hồ giữa đêm (10 giờ tối - 5 giờ sáng) ít nhất mỗi tuần một lần, theo định nghĩa của các nhà khoa học.

Việc bị mất ngủ đều đặn có thể xảy ra với người bị jetlag, người thức khuya, hoặc ban đêm xem màn hình có ánh sáng xanh (có tác dụng mô phỏng ánh sáng ban ngày). Thời điểm ăn uống của chúng ta cũng ảnh hưởng đến chu kỳ sinh học, vì vậy hãy tránh ăn quá khuya.

Hướng điều trị và cách ngăn ngừa nguy cơ ung thư liên quan nhịp sinh học

Sự phát hiện về nhịp sinh học cũng giúp chúng ta trong cách điều trị. Một số phương pháp trị liệu hiện nay cho kết quả tiến triển hơn khi thêm vào yếu tố nhịp sinh học của bệnh nhân. Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu sự khác biệt về hiệu quả đối với thời gian xạ trị khác nhau. Các loại thuốc tăng cường nhịp sinh học cũng đang được nghiên cứu.

Nếu việc làm theo ca không thể tránh khỏi, các nhà nghiên cứu đang tìm hướng giải quyết cho vấn đề này. Nghiên cứu của Katja Lamia, một nhà sinh học sinh học tại Scripps Research, cho thấy có sự gia tăng thân nhiệt con người khi nhịp sinh học bị thay đổi. Nếu điều này là đúng, nhà nghiên cứu này cho rằng có thể dùng máy đo thân nhiệt không tiếp xúc tại nơi công nhân làm ca để phát hiện thân nhiệt từng người, từ đó có điều chỉnh giờ giấc cho người đó.

Với những người không làm việc theo ca, việc thay đổi một số thói quen sẽ rất cần thiết. Ưu tiên số 1 là phải có một giấc ngủ ngon vào ban đêm. Thói quen ăn uống cũng quan trọng. Nhà sinh học Satchidananda Panda và các đồng nghiệp của ông đang nghiên cứu một phương pháp được gọi là ăn uống có giới hạn thời gian (TRE) hoặc nhịn ăn gián đoạn. Nghĩa là trì hoãn bữa sáng một hoặc hai giờ cho đến khi mức cortisol giảm xuống và ăn tối ít nhất ba giờ trước khi đi ngủ theo thói quen của bạn.

Trong một nghiên cứu kéo dài 12 tuần trên những người lính cứu hỏa, TRE cho thấy có lợi ích cho sức khỏe trao đổi chất và cải thiện giấc ngủ của người tham gia nghiên cứu. Ở chuột, nó đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của khối u.

Cuối cùng, các nhà khoa học cho rằng chúng ta nên tôn trọng hết mức nhịp sinh học để bảo vệ cơ thể của chúng ta, vốn rất nhạy cảm với thời gian.
 
Bên trên