MƯỜI TỘI ÁC – Tri Thù

linh_449

Linh Linhh
✅Cảm nhận chung: Đây là 1 trong những bộ mình đánh giá rất cao ở tính chân thực, thoát ly cái cảm giác: Ôi, chỉ là trong truyện ấy mà. Cả series giống như 1 loạt các trích đoạn vụn vặt, nhưng ẩn trong đó chứa đựng diễn tiến tâm lí nhân vật, khiến ta hiểu điều gì tạo nên con quái vật, và dẫn tới những câu hỏi lớn hơn, đầy trăn trở: những cảnh ngộ đó thực sự đang diễn ra, liệu có ai hiểu và hỗ trợ cho họ trong đời thực, để ngăn con quái vật trước khi nó xuất hiện?

✅Xây dựng nhân vật: Các nhân vật trong Thập tội có thể chia thành 4 tuyến chính: tổ điều tra, thủ phạm, nạn nhân và người liên quan.
Có 1 điều đặc biệt là Tri Thù dành khá nhiều không gian cho những người liên quan, từ đó gợi mở nhiều chiều sâu cho câu chuyện, na ná như một mạng nhện, ở đó các mối quan hệ xã hội chồng chéo và dính dấp tới nhau, dường như không có ai là vô tội, lại dường như ai cũng có thể là nạn nhân. Rất nhiều ám ảnh quanh quẩn trong những con người này, mơ hồ gợi ra những câu hỏi về hỗ trợ hậu chấn thương tâm lí. Mỗi 1 sự kiện kinh hoàng, bản thân nó là bóng ma mãi đi theo bất cứ ai liên quan, nhưng ai sẽ là người quan tâm, đủ để dẫn lối tới ánh sáng cho những người đã bị ám? Theo mình, đây mới là khía cạnh nhân văn nhất và chân thật nhất trong 1 vụ án, khi đa phần hay quan tâm tới ai là thủ phạm, hình phạt là gì, người điều tra tài giỏi thế nào, mà quên đi những trải nghiệm méo mó trong lòng những người can dự, mà từ đó, con quái vật có thể hiện hình lần nữa.
Thủ phạm trong Thập tội thường cũng rất đặc thù, họ là 1 kiểu nạn nhân khác, những người không có cơ hội làm người lương thiện. Những flashback về cuộc đời thủ phạm giống như những vòng xoáy, dẫn tới kết cục tất yếu là họ sẽ trở thành kẻ ác bị cuốn vào vòng tội lỗi ấy, không những bản thân vĩnh viễn không thoát được mà các thế hệ sau cũng bị kéo vào.
Tổ điều tra được đặt trong 1 vị trí khá riêng, không có nhiều liên hệ riêng tư với các tuyến còn lại, tựa như những người quan sát và kể lại chuyện. Hình ảnh nạn nhân cũng khá mơ hồ so với các tuyến nhân vật khác, hao hao 1 câu chuyện đã kết thúc.
Riêng quyển cuối trong series khá khác biệt, giống như 1 thiên tự sự mang phong cách hiện thực, kiểu như chúng ta đã từng đọc trong Lão Hạc hay Làng Vũ Đại ngày ấy. Không có các tình tiết điều tra giật gân, cũng không có vụ án kinh thiên động địa, chỉ là những lát cắt chớp nhoáng trong dòng cuộc sống xô bồ, của những người ở dưới đáy, mà bất ngờ 1 ngày nào đó có thể va chạm với chúng ta.

✅Thủ pháp phá án: Hầu hết các vụ án trong Thập tội là các thảm án, đại án; rất nhiều vụ mô phỏng các án có thật trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên không có nhiều pha truy đuổi gay cấn hay chi tiết phá án ly kì, thậm chí khá nhiều là án đọng! Với nhiều độc giả, điểm này hụt hẫng và có phần không giống trinh thám cho lắm (chả thấy phá án gì cả). Nhưng với mình, lại là điểm mình rất thích, vì nó rất thật. Thực tế điều tra thường đơn điệu và nguyên tắc hơn nhiều so với sự tinh tế của Holmes, sự phi thường của Rhyme hay vô số những anh, chị, bằng cách nào đó xuất chúng hơn hẳn đám còn lại. Các vụ án dễ rơi vào bế tắc do độ tin cậy kém của nhân chứng, sự mơ hồ của bằng chứng và vô số nhân tố gây nhiễu. Một điểm nữa mình cho là rất hay trong Thập tội, đó là việc đưa ra giả thuyết chứ không áp vào bất cứ kết luận cụ thể nào, điều tra viên trong thực tế cũng đứng trước nhiều ngã rẽ như vậy, và chừng nào chưa dựng được hệ thống chứng – cung trực tiếp, chặt chẽ, thì mọi khả năng đều là có thể (tất nhiên trừ phương pháp điều tra biến con thỏ thành con gấu).

Series 10 tôị ác


Xin kết lại bằng tựa sách của anh Đặng Hoàng Giang: “Bức xúc không làm ta vô can”. Cái hay trong Thập tội, là khi ta nhìn sâu vào những mảnh đời bên lề để hiểu rằng: những thứ rác rưởi bị ném ra, vào 1 ngày nào đó nước dâng, sẽ dính dấp vào chân chúng ta. Có những thứ, những chuyện, đang diễn ra, ta có thể nhắm mắt làm ngơ, nhưng có ngày sẽ gào thét vọng vào cuộc đời của bất cứ ai trong số chúng ta.
 
Bên trên