Tập biên khảo 'Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975'

Quang Minh

Well-known member
"Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975" của Phạm Công Luận cung cấp cho độc giả tài liệu về báo chí xưa qua tranh ảnh và giai thoại.

Ấn phẩm gồm 30 bài viết, trích đoạn và hơn 4.000 hình ảnh biếm họa. Phạm Công Luận tập trung vào thế mạnh viết về đời sống văn hóa xã hội ở Sài Gòn - Gia Định xưa, lấy chủ đề tranh biếm họa báo chí từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1975.

Bìa sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975, phát hành đầu tháng 3. Ảnh: Phương Nam Book

Bìa sách "Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975". Tác phẩm dày 211 trang, phát hành đầu tháng 3. Ảnh: Phương Nam Book

Tên sách lấy cảm hứng từ tác phẩm Sài Gòn phong vị báo xuân xưa của tác giả, trong đó có phần nói về biếm họa trên giai phẩm xuân trước 1975. Tác giả cho rằng đây là thể loại kích thích thị giác, có hàm lượng nội dung lớn, từ đó, anh đào sâu đề tài, trình bày bức tranh về biếm họa báo chí miền Nam.

Sách chia làm hai phần, đưa ra cái nhìn khái quát về sự xuất hiện và các giai đoạn phát triển của thể loại tranh biếm họa trên báo chí tiếng Việt. Trong điều kiện nguồn tư liệu báo chí Sài Gòn trước 1975 ít ỏi, tác giả tìm tòi, góp nhặt để ra mắt tập biên khảo.

Tác giả mở đầu quyển sách bằng những dòng hồi tưởng về thời tuổi thơ của mình: "Năm 1971, tôi sung sướng khi có thể xem tranh vui và biếm họa thường xuyên trên báo Thiếu Nhi ra hàng tuần, rất mê hai nhân vật Tí Xíu và Tí Ti do Vương Nghiêm và Nguyễn Tài vẽ. Ba tôi mỗi ngày mua hai tờ nhật báo là Sóng ThầnĐiện Tín, tờ nào cũng có biếm họa. Không thể quên những buổi tối, ba và bác Mười Thọ hàng xóm ngồi với nhau bên ly rượu ngũ gia bì nhỏ xíu, bình luận thời sự và nhắc đến tranh biếm của Tuýt, Chóe, Ớt, những cái tên khá tức cười nhưng vẽ châm biếm thâm sâu".

Lần giở những trang sách, bạn có cơ hội đọc được câu thơ nhại Kiều: "Trăm năm trong cõi người ta/ Ông Quỳnh, ông Hiếu khéo là cợt nhau!". Trên tuần báo Thể Thao Đông Dương (số 1 ngày 9/9/1943), tinh thần thể thao thể hiện qua đoạn chú thích: "Tôi đã nói với ông, khi giơ tay lên thì thót bụng vào, mà ông không nghe". Tờ báo Sài Gòn Mới số xuân Đinh Dậu 1957 có mẩu chuyện:


"- Cô giáo: Trong thân thể có bộ phận gì hở trò Tý?

- Dạ, có xương, thịt, mỡ, gầu, tái nạm và gân với sụn ạ.

- Trời! Thế ra trò nói chuyện phở tái?

- Vâng vì ba em làm hàng phở ạ."

Một tranh biếm họa in trên tờ Thể thao Đông Dương ngày 9/12/1943. Ảnh: Phương Nam Book

Một tranh biếm họa về đời sống xã hội, in trên tờ Thể thao Đông Dương ngày 9/12/1943. Ảnh: Phương Nam Book

Tác phẩm còn giúp độc giả tiếp cận thể loại báo chí, nêu bật những vấn đề xã hội, thói hư tật xấu. Điển hình, phần Sự đời lắm nỗi gồm một số bài báo, minh họa tranh, những câu chuyện được tuyển chọn như: Phong tục cưới gả năm con Bò, Làm cách nào để kiếm được người chồng "lý tưởng", Gia đình Ba Lém, Trằn trọc trên giường.

Tài năng của các họa sĩ biếm được thể hiện bao quát trong sách. Họ không chỉ có tài năng, khiếu hài hước mà còn mang góc nhìn thời đại. Tranh vẽ bám sát đời sống xã hội, thời cuộc, mô tả thăng trầm của đời sống văn hóa người Việt những năm hậu chế độ thuộc địa.

Ở phần Họa sĩ biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975, tác giả bộc lộ sự trân trọng các họa sĩ biếm thông qua những trang viết giới thiệu lai lịch, phong cách sáng tác, tác phẩm nổi bật. Ví dụ, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vẽ ký họa chân dung văn nghệ sĩ theo lối "tướng tinh họa" với những nét to, gồ ghề. Họa sĩ Hưng Hội được người làm báo và giới họa sĩ thập niên 1940 đánh giá cao khi thể hiện tốt nội dung.

Hay tên tuổi họa sĩ Văn Hiếu được biết đến qua nhiều bức biếm họa ý nhị. Nói về Văn Hiếu, nhà thơ Lý Thụy Ý đánh giá: "Nếu nói đến báo Văn Nghệ Tiền Phong phải nói đến họa sĩ Văn Hiếu. Anh rất nổi tiếng thời đó, cha đẻ của 'bé Ngôn - bé Luận' hài hước, đáng yêu. Văn Hiếu vẽ biếm họa thần sầu!".

Theo họa sĩ Đức Lâm, ngay lần đầu xem tập bản thảo, anh cảm thấy hạnh phúc khi được gợi lại kỷ niệm gắn liền với những họa sĩ. "Hơn nửa thế kỷ trước, tôi và bạn bè bị mê hoặc bởi tranh vẽ của họ. Mãi hôm nay mới được xem lần nữa những bức tranh đăng báo một thời gắn với tuổi thơ chúng tôi, tưởng chừng không bao giờ thấy lại nữa", Đức Lâm nói.

Tác giả Phạm Công Luận. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tác giả Phạm Công Luận. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với họa sĩ Nguyễn Văn Thưởng (bút danh Satế), tác phẩm không chỉ dành cho khán giả lớn tuổi tìm về ngày xưa, mà lớp trẻ yêu tranh, thích biếm họa sẽ tìm thấy bút tích của những họa sĩ tiền bối mở đường. Đồng thời, các độc giả sẽ hiểu thêm về báo chí ngày trước qua những đoạn đối thoại của nhân vật trong tranh.

Phạm Công Luận, 63 tuổi, sinh ở TP HCM. Ông là tác giả nhiều cuốn sách như Những sắc màu Nhật Bản, Nếu biết trăm năm là hữu hạn (bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy), Chú bé Thất Sơn, Đường phượng bay.

Không chỉ nổi bật ở thể loại tản văn, Phạm Công Luận còn mang đến nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn như bộ Sài Gòn - Chuyện đời của phố (2014), Sài Gòn Phong vị báo xuân xưa (2018), Sài Gòn - Ngoảnh lại trăm năm (2021), Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ (2022, in chung với tranh của họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm).
 
Bên trên