Xưởng đúc số 1 thế giới góp sức chấn hưng ngành bán dẫn Nhật Bản

Thanh Thúy

Well-known member
TSMC – xưởng đúc chip lớn nhất thế giới – vừa khai trương nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản, nhấn mạnh vai trò của mình trong nỗ lực hỗ trợ Tokyo hồi sinh ngành bán dẫn hùng mạnh một thời.
Hãng tin Reuters nhận định, việc Nhật Bản tìm đến TSMC để giúp vực dậy ngành công nghiệp hùng mạnh một thời phản ánh vị trí thống trị của công ty Đài Loan (Trung Quốc) trong kinh doanh xưởng đúc.
Sự xuất hiện của TSMC tại Nhật Bản được xem là đã thúc đẩy đầu tư vào một lĩnh vực quan trọng đối với an ninh kinh tế, ngay cả khi nước này đang có tham vọng lớn hơn khi hỗ trợ xưởng đúc mới Rapidus.
Theo Damian Thong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Nhật Bản tại Macquarie Capital Securities, việc TSMC xây dựng nhà máy ở đây thực sự đã thu hút sự ủng hộ từ các bộ phận khác nhau của ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này tạo ra hiệu ứng “quả cầu tuyết”.
Đến năm 2027, Đài Loan được dự đoán kiểm soát 2/3 công suất đúc đối với các quy trình tiên tiến, trong khi Mỹ cũng mở rộng mạnh mẽ, theo hãng nghiên cứu TrendForce. Nhật Bản cũng sẽ tăng thị phần toàn cầu lên 3%.
TSMC đang nhắm mục tiêu sản xuất hàng loạt tại nhà máy vào cuối năm nay và đã công bố kế hoạch cho một nhà máy thứ hai, nâng tổng vốn đầu tư vào liên doanh lên hơn 20 tỷ USD.
Hợp tác với các công ty bao gồm Sony và Toyota, công suất hàng tháng tại hai nhà máy sẽ vượt quá 100.000 tấm wafer 12 inch, tăng cường khả năng tiếp cận chip của Nhật Bản, vốn rất cần thiết cho các ngành công nghiệp điện tử, ô tô và quốc phòng.
Theo Reuters, văn hóa làm việc cần cù phù hợp với sản xuất chip và chính phủ trợ cấp hào phóng là những yếu tố hấp dẫn TSMC đến với Nhật Bản. Ngược lại, Nhật Bản cũng được hưởng lợi từ việc Đài Loan sẵn sàng phê duyệt xuất khẩu công nghệ đúc và chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với các công nghệ nút tiên tiến dưới 16nm, David Chuang, nhà phân tích tại Isaiah Research chỉ ra.
Chuyên gia phân tích Joanne Chiao tại TrendForce cho biết, Nhật Bản có thể tận dụng chuyên môn của mình trong các lĩnh vực như photoresists (hóa chất cần thiết cho sản xuất chip), cảm biến hình ảnh và đóng gói chip.
Lĩnh vực bán dẫn của Nhật Bản đang trên đà tăng tốc khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Đài Loan tìm đến, không chỉ để hỗ trợ nhà máy của TSMC mà còn bị thu hút bởi sự năng động mới của ngành.
Thúc đẩy kinh tế
Tại trung tâm sản xuất chip trên hòn đảo Kyushu, nơi đặt nhà máy của TSMC, các công ty đang tăng cường đầu tư bao gồm nhà sản xuất chip điện Rohm, nhà sản xuất tấm wafer Sumco và nhà sản xuất thiết bị Tokyo Electron.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Kyushu, tăng trưởng kinh tế trong khu vực dự kiến đạt 20,1 nghìn tỷ yên (134 tỷ USD) trong một thập kỷ nhờ vào các xưởng đúc đang được xây dựng và sắp hoạt động, cũng như từ tiêu dùng của người lao động.
Dù vậy, một nút thắt lớn là thiếu hụt lao động, theo Soei Kawamura, nhà nghiên cứu thuộc bộ phận phát triển kinh doanh tại trung tâm. Ông cho rằng các doanh nghiệp lớn như TSMC và Sony có thể đảm bảo đủ nhân sự nhưng việc phát triển kinh tế của khu vực Kyushu sẽ phụ thuộc vào số lượng người làm việc trong các ngành liên quan.
Số lượng nhân viên trong các doanh nghiệp liên quan đến chip của Nhật Bản đã giảm khoảng 1/5 trong khoảng hai thập kỷ qua. Theo ước tính từ Hiệp hội Công nghiệp Điện tử và Công nghệ Thông tin Nhật Bản (JEITA), các hãng chip hàng đầu trong nước cần tìm 40.000 công nhân trong 10 năm.
Tầm nhìn lớn hơn của Tokyo là tạo ra một nhà vô địch nội địa thông qua xưởng đúc Rapidus, đứng đầu là các cựu binh trong ngành và nhắm mục tiêu sản xuất hàng loạt chip tiên tiến trên đảo Hokkaido từ năm 2027. Để cạnh tranh tốt hơn với TSMC, Rapidus đang hợp tác với IBM và tổ chức nghiên cứu chip Imec. Tuy nhiên, triển vọng thành công của liên doanh bị nhiều người hoài nghi.
Nhà phân tích Thong nhận định, TSMC chắc chắn sẽ thống trị nhưng Nhật Bản sẽ tìm cách chứng minh họ là số 2.
 
Bên trên