Ám ảnh vì bị chê béo

TRUONGTRINH

Well-known member
Phát hiện Trúc Anh ăn vụng cơm nguội lúc nửa đêm, mẹ cô bé mắng xối xả vì cho rằng "đã béo còn ăn lắm", thậm chí ví "giống con đuông dừa".
Đây chỉ là một trong hàng trăm lần cô bé 13 tuổi, ở Hưng Yên, bị mẹ trách móc vì ăn nhiều, nhất là khi cân nặng từ 45 kg lên 55 kg sau hai năm ở nhà vì dịch. Với người ngoài, Trúc Anh không quá béo, nhưng chị Thanh Huyền, 40 tuổi, mẹ cô bé cho rằng con gái đang béo phì.
"Con gái mà béo tròn béo trục, bố mẹ nhìn còn chán huống chi người ngoài", chị Huyền than thở.
Để ép con giảm cân, bà mẹ lên chế độ ăn kiêng kết hợp với vận động buộc con phải tuân thủ. Ngoài nhảy dây, lắc vòng 30 phút vào sáng, tối, cô bé phải ăn một bát rau luộc, uống 350 ml nước để vơi cơn đói trước khi ăn ức gà và cơm gạo lứt trong mọi bữa ăn. Nếu cân nặng không đổi, thậm chí tăng sau một tuần rèn luyện, chế độ ăn và bài tập sẽ được chị nâng cấp.
Ăn uống kiêng khem khiến Trúc Anh luôn đói, người uể oải, mệt mỏi, không tập trung học, tìm mọi cách lén mua đồ ăn vặt hoặc vét cơm thừa lúc cả nhà đi ngủ. Có lần phát hiện con gái trốn dưới gầm bàn ăn vụng, người phụ nữ 40 tuổi nổi cơn thịnh nộ, lao đến quát mắng, chì chiết, miệt thị ngoại hình khiến cô bé tủi thân, bật khóc.
"Mẹ khiến em thấy nhục nhã và xấu hổ chỉ vì miếng ăn", Trúc Anh kể.

Một bữa tối ăn theo chế độ của Trúc Anh được mẹ chuẩn bị trong năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một bữa tối ăn theo chế độ của Trúc Anh được mẹ chuẩn bị. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thanh Thùy, 30 tuổi, Hà Nội không thể quên ký ức bị mẹ chê bai ngoại hình suốt 12 năm học.
Từ nhỏ, Thùy được gia đình cho ăn uống theo sở thích vì là con một, nên nhanh chóng phải đối mặt với tình trạng thừa cân, 5 tuổi nặng 30 kg. Liên tục được mọi người khuyên nên hãm sức ăn của con gái nếu không muốn đứa trẻ bị béo phì, mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, gây ảnh hưởng trí não khiến con chậm chạp, không thông minh, bố mẹ Thùy tìm mọi cách giúp con giảm cân.
Suốt 5 năm tiểu học, mẹ cô liên tục kể về lợi ích của việc gầy được mặc quần áo đẹp, nhiều người yêu quý và dễ thành công ở xã hội ưa ngoại hình... Sang cấp 2, bà bắt đầu gây sức ép bằng lời nói, thậm chí mắng mỏ, bắt tập thể dục, sau nhờ thầy cô giáo, bạn bè của con tác động vì con gái chưa đạt cân nặng tiêu chuẩn.
"Mẹ luôn ngụy biện việc chê bai cân nặng giúp tôi có động lực giảm cân, nhưng tôi chỉ thấy xấu hổ, tự ti và thêm ức chế. Đó là phương pháp dạy dỗ hay ngầm gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần một đứa trẻ?", cô bức xúc.
Câu chuyện của Trúc Anh hay Thanh Thùy khá quen thuộc trong các gia đình Việt. "Nhiều cha mẹ mắng chửi, đe dọa, chì chiết trẻ là bạo lực ngôn ngữ nhưng hiểu nhầm là dạy con", đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu ý kiến khi góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hôm 14/6.
"Bố mẹ mắng con dẫn đến tổn thương về tinh thần như thay đổi tiêu cực cấu trúc não bộ; ảnh hưởng đến trí nhớ của trẻ. Những lời nói đay nghiến, đe dọa, chì chiết của cha mẹ khiến trẻ cảm thấy tội lỗi, tự ti, dằn vặt, tự cho rằng là người kém cỏi, vô dụng. Hậu quả này có thể kéo dài cả đời và đặc biệt nguy hiểm", bà Nhung nói và đưa ra dẫn chứng lời nói của một nhà nghiên cứu "kẻ giết người, hủy hoại cuộc đời của một đứa trẻ không phải là trò chơi mà chính là bạo lực ngôn ngữ của cha mẹ".
Số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng chỉ ra, trong số trẻ bị bạo lực, có 11% bị đòn roi, đánh đập; 16% bị ném đồ vật vào người; gần 57% bị bạo hành tinh thần dưới dạng đe dọa, mắng chửi, chì chiết.
Ở Việt Nam chưa có thống kê về số trẻ nhỏ bị gia đình bạo hành tinh thần dưới dạng đe dọa, mắng chửi, chì chiết do thừa cân, nhưng hành động thúc ép con giảm cân của phụ huynh là có căn cứ. Nhất là trong bối cảnh tỷ lệ béo phì ở trẻ nhỏ có xu hướng tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Theo thống kê của Bộ Y tế trong năm 2020, tỷ lệ thừa, cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chỉ ra cứ 100 trẻ trong độ tuổi 5-19, có 19 em thừa cân, béo phì.
Nhưng không vì thế mà phụ huynh có quyền chê bai ngoại hình trẻ nhỏ. PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, cho rằng bố mẹ có thể góp ý về cân nặng của trẻ nhưng tuyệt đối không dùng lời nói nặng nề gây áp lực.
Như Trúc Anh, liên tục bị mẹ trách mắng, so sánh ngoại hình với bạn học khiến cô bé tự ti, sống thu mình, ngại đến chỗ đông người, ghét soi gương vì nghĩ bản thân xấu xí. Sự kỳ thị về cân nặng của mẹ còn khiến cô bé ngộ nhận gầy là chuẩn mực, là thước đo sự hoàn hảo.
Nhưng ngay khi đã giảm cân thành công, Thanh Thùy vẫn bị ám ảnh cân nặng. Mặc gia đình, bạn bè khuyên ngăn đã rất gầy, khi cao 1,6 m và chỉ nặng 49 kg, nữ nhân viên văn phòng vẫn tìm đến các phương pháp giảm cân với hy vọng giảm thêm 4 kg. Ám ảnh cân nặng còn khiến Thùy tìm đến các biện pháp cực đoan như nhịn ăn, móc họng hoặc sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc nếu ai đó khen "có da có thịt" hoặc cân nặng nhích lên vài lạng.

Thanh Thùy trong một lần đi du lịch Tây Nguyên đầu năm 2022. Anhe: Nhân vật cung cấp

Thanh Thùy trong một lần đi du lịch Tây Nguyên đầu năm 2022. Anhe: Nhân vật cung cấp
Ngoài sự chê trách từ bố mẹ, các chuyên gia cho rằng miệt thị, đánh giá về ngoại hình từ họ hàng cũng khiến trẻ bị đả kích lớn. Phương Thảo, 20 tuổi, ở Hà Tĩnh là một ví dụ.
Từ nhỏ, Thảo liên tục nhận lời khen ngợi từ họ hàng, người ngoài khi sở hữu thân hình cân đối, đôi mắt to cùng gương mặt ưa nhìn. Nhưng mọi thứ thay đổi khi cô lên lớp 10. Áp lực học tập khiến Thảo tìm đến cà phê, đồ ăn vặt để tỉnh táo nhưng vô tình tăng cân mất kiểm soát. Từ 45 kg cuối năm lớp 9, Thảo tăng vọt đến 70 kg khi vào lớp 10 và đỉnh điểm là 80 kg khi sang lớp 11.
Sự thay đổi về mặt ngoại hình khiến nữ sinh liên tục nhận lời góp ý từ họ hàng. "Họ luôn hỏi tôi nặng bao nhiêu kg, tò mò quần áo tăng mấy size, khuyên nên giảm cân nếu muốn có người yêu. Nhưng sau lưng lại ví tôi giống một con lợn, nhắc nhở các em họ nhìn tôi làm gương, không được ăn nhiều", Thảo nhớ lại.
Tức giận, Thảo bắt đầu kiêng tinh bột, uống nước cầm hơi, sau móc họng, sử dụng thuốc giảm cân... Cân nặng chưa giảm nhưng sau một tháng ăn kiêng, nữ sinh phải nhập viện vì đau dạ dày cấp. "Suy nghĩ lúc đó của tôi chỉ là muốn giảm cân để "dằn mặt" những người từng chê bai, nhưng không nghĩ làm hại cơ thể ", Thảo nói và cho biết đã tìm đến các phương pháp giảm cân an toàn.
Một số chuyên gia cho rằng không nên đổ hết trách nhiệm cho phụ huynh trước mong muốn con giảm cân. Tiến sĩ giáo dục học Vũ Thị Thu Hương lập luận bố mẹ cũng vì thương, mong con có thân hình cân đối, khỏe mạnh nên mới nhắc nhở.
"Họ đều là những người đi trước, có kinh nghiệm nên mới ra sức khuyên ngăn. Còn nếu để trẻ sống tự do, theo sở thích rất dễ bị buông thả, gây ra những tác hại không ngờ. Do vậy không thể chỉ đổ lỗi, trách cứ bố mẹ khi đề cập đến ngoại hình mà hãy nhìn đa chiều. Nhưng tùy vào tâm lý của từng trẻ, phụ huynh nên có cách tiếp cận phù hợp với con", chuyên gia Vũ Thị Thu Hương nói.
Không nghe lời khuyên của bố mẹ nên giảm cân khiến Hùng Hải, 17 tuổi, ở TP HCM, trở thành đối tượng trêu đùa của bạn bè khi cân nặng chạm ngưỡng 90 kg vào năm lớp 10. "Nhưng em chẳng quan tâm, em thích thì ăn, không ai cấm được", Hải nói.
Chỉ đến khi nặng 100 kg vào năm lớp 11, được chẩn đoán bị gan nhiễm mỡ, có nguy cơ bị tiểu đường, khung xương chịu áp lực lớn, nam sinh mới đăng ký tập gym, thay đổi chế độ ăn uống theo hướng dẫn của huấn luyện viên, bởi không muốn bệnh trở nặng.
Sau ba tháng kiên trì, chàng trai 17 tuổi đã giảm được 5 kg nhờ các bài tập tăng cơ giảm mỡ, hiện cố đưa cân nặng về mốc 80 kg hoặc hơn. "Giá như tôi nghe lời bố mẹ kiềm chế ăn uống, có lẽ đã không phải khổ sở như hôm nay", nam sinh tâm sự.
 
Bên trên