Còn thương nhau thì ghé lại ngõ Tạm Thương

TRng

Well-known member
MỘT TẠM THƯƠNG ZÍCH ZẮC LIÊU XIÊU

Từ khi còn là gã trai mới bập vào Hà Nội kiều thơm, tôi đã đem lòng thương mến con ngõ có cái tên rất ấn tượng: Ngõ Tạm Thương. Có quá nhiều cách giải thích về cái tên này, lãng mạn có, trần trụi có, thô mộc có mà tôi và chúng ta đã từng được nghe, được kể, được đọc ở đâu đó.

Nhưng trong hình dung địa lý của mình, ngay từ sơ khởi ý niệm, tôi cứ cho rằng, Tạm Thương có liên quan đến khu vực nhà thương Phủ Doãn, bao gồm: Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện phụ sản C, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt. Rằng, đây là nơi bệnh nhân ở tạm trước khi vào nhà thương chữa bệnh, giống như các khu trọ dành cho bệnh nhân phương xa mọc lên chi chít quanh các bệnh viện lớn.

Thế nên, Thương trong ý nghĩa Tạm Thương đó có nghĩa của tình thương (mà tiếng Anh diễn giải là hospitality). Nó gần với tình cảm của con người, giữa con người với con người, giữa người Việt mình với nhau. Thế nên cứ vậy mà tự nhiên lưu luyến, tự nhiên cảm thương.

Nhưng rồi, hóa ra chả phải. Theo sách “Từ điển đường phố Hà Nội” của tác giả Giang Quân: “Ngõ Tạm Thương xưa thuộc thôn Yên Thái, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ. “Khoảng đầu thế kỷ 19, nơi này có tên là Trạm Thương, đặt một kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho Tạm Thương nên sau đổi thành ngõ Tạm Thương”.

Ôi, thế thì từ “Thương” lại chỉ nghề nghiệp, ngành nghề mất rồi, là thương nghiệp, buôn bán, hàng hóa, chứ chẳng còn là “tình thương” gì cả. Một cái kho tạm trước khi luân chuyển mà thôi. Nhưng dù thế nào, thì nơi đây cũng là một con ngõ phái sinh và liên kết với vùng không gian địa lý cổ xưa là thôn Yên Thái, nay là ngõ hoặc phố Yên Thái một đầu trổ ra chợ Hàng Da, một đầu trổ ra phố Hàng Mành.

Con ngõ Tạm Thương chẳng hẹp cũng chẳng rộng. Nó dài liêu xiêu khoảng gần 1.000 mét, giữa ngõ ngoặt thành 2 ngả, một ngả ngắn cũn, còn một ngả bẻ hình thước thợ để kết nối với ngõ/phố Yên Thái. Nếu nhìn từ trên cao xuống, ngõ Tạm Thương sẽ có hình chữ Z, zích zắc, mong manh nhưng chứa đầy vẻ duyên dáng.

Ở chính đoạn ngõ lại gấp khúc hình chữ Z là ngôi đình Yên Thái (tên chữ là Quán Linh Từ) trầm mặc, với hai cây đa to lớn, cao vút tỏa tán mướt mát, như một nét chấm phá đem lại chút mảnh xanh tươi cho con ngõ nhỏ. Điều này làm cho con ngõ Tạm Thương khác biệt với các con ngõ khác ở khu phố cổ, khi có cả cây đa - giếng nước (nằm ở sau đình) - sân đình, hệt như một mái làng Việt cổ điển.

Cái giếng là một con mắt đất nhìn lên trời cao, và cũng là con mắt để trời xanh nhìn vào đất thẳm. Trong ngõ Tạm Thương không chỉ có một cái giếng duy nhất ở sau đền mà từng có rất nhiều giếng, mỗi nhà đào một cái giếng để lấy nước sinh hoạt.

Chẳng hiểu mạch nguồn ở đây thế nào hay có linh khí tụ nên dồi dào nước, chỉ cần đào không sâu lắm, hơn chục mét là nước ngọt trong mát đã giàn giụa trào lên. Nhưng rồi, khi người sinh sôi, đất vẫn thế, cái giếng lại là khoản diện tích “tốn kém” trong khi nước máy đã bắt vào tận nhà, lần lượt từng cái giếng lấp đi, chỉ còn lại một hai chiếc của hộ gia đình và chiếc giếng cổ sau đình.

Ngôi đình Yên Thái thờ Nguyên phi Ỷ Lan - một hoàng hậu trung liệt từng buông rèm nhiếp chính, có tài trị quốc thay chồng đánh giặc phương xa. Bà là vợ của vua Lý Thánh Tông và mẹ của vua Lý Nhân Tông, được nhân dân tôn sùng là nữ nhân hiệt kiệt, và sau này trở thành phúc thần.

Sở dĩ thế bởi Nguyên phi Ỷ Lan coi trọng nghề nông tang, thương dân nghèo khó, giữ nghiêm phép nước, hoàn thành nhiếp chính khi vua Lý Thánh Tông đi đánh quân Chiêm Thành, được quần triều xưng tụng là “Lý Đại mẫu nghi”, được nhân dân sùng đạo Phật phong là Phật Mẫu “Như Lai xuất thế, Lý triều Thiên Nam đệ nhất”. Tại Quán Linh Từ, bà được tôn là thành hoàng của làng Yên Thái.

Theo tư liệu lưu giữ trong đình, ngôi đình Yên Thái được xây dựng từ rất sớm và đến ngày nay vẫn giữ nguyên bố cục của một ngôi đình nhỏ xinh xắn, kiến trúc kiểu chữ công (I) bao gồm nhà tiền đường, nhà thiên hương và gian hậu cung, mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn.

Đình Yên Thái có một bề dày lịch sử, trong đó còn lưu giữ một khối lượng lớn những di vật, phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu, nhiều về số lượng như bia đá, chuông đồng, kiệu gỗ, nhựa đã, hoành phi, câu đối, đại tự, các đồ khí tự và đặc biệt di tích còn bảo lưu được 10 đạo sắc quý.

Đình Yên Thái được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1995. Nhờ có ngôi đình và sự thiêng liêng của Mẫu Ỷ Lan, vào các ngày sóc, ngày vọng hay dịp lễ Tết, người dân trong con ngõ và vùng phụ cận có nơi để hương khói, gửi gắm, nguyện cầu những điều bình yên. Đấy cũng là mảnh trú xứ của tâm linh trong con ngõ này.

CHIỀU MƯA TRONG TỬU QUÁN NĂM XƯA

Ngày xưa, chỉ cần thả bộ hơn chục mét vào con ngõ Tạm Thương, sẽ bắt gặp một tửu quán rất đặc biệt, phảng phất phong vị những tửu quán kết giao hào kiệt trong Thủy Hử hay nồng chất giang hồ của Cổ Long vốn dĩ “trong tửu quán phát sinh biến cố”.

Một tửu quán nhỏ nằm trong lòng ngôi nhà cũ, có tường quét ve xanh loang lổ sắc đen của khói ám, hoặc những dây mạng nhện đẫm bụi đen xì, chỉ kê được vài ba bàn uống rượu nhỏ xíu, với những chiếc ghế đẩu lổng chổng xếp xung quanh. Cửa ra vào rất hẹp, khiến ánh sáng trong tửu quán mờ mờ ảo ảo, càng tăng độ huyền bí.

Nhưng bí hiểm nhất là những hũ rượu cũ kỹ, phủ đầy bụi, miệng bịt khăn đỏ đã phai hết màu sắc cũ. Đó là những hũ rượu ngâm rắn, đủ các thể loại: Tam xà (3 loại rắn hổ mang, cạp nong và rắn ráo), ngũ xà (3 loại rắn kia cộng thêm rắn cạp nia và hổ trâu), rồi cả long hổ hội (ngâm thêm cao hổ cốt) và rượu ngâm thuốc bắc.

Đình Yên Thái.
Đình Yên Thái.
Đây là quán bán rượu rắn lạ lùng nhất mà tôi từng ngồi trong đời bởi sự hiện diện đầy bí hiểm ở giữa chốn phồn hoa đô thị. Món nhậu của tửu quán đó cũng rất kỳ lạ: Khi thì là da rắn xào cắn nghe giòn sựt mà dai dai lạ miệng, khi thì bát lạc “thối” bé răn reo như quả kỳ tử mà ăn thơm bùi không tưởng; khi là đĩa con nhộng rang lá chanh hay cà cuống nướng. Thực đơn nhìn chung rất tùy tiện, có gì bán đó kiểu theo mùa, theo ngày.

Trong không gian tranh sáng, tranh tối đó, những gương mặt khi mờ khi tỏ chăm chú nâng những chén rượu hoặc sực mùi thuốc bắc, hoặc tanh tanh mùi rắn giá chỉ 3.000 đồng (chén hạt mít) hay 5.000 đồng (chén hoa hồng), đại loại thế. Tất cả đều nhấm nháp, khề khà thứ rượu được cho là bổ cho xương cốt, sức khỏe. Khi đó, tôi mới đôi mươi, nên chẳng biết có hiệu nghiệm gì không.

Một điểm kỳ lạ là tửu quán đó không có tên, sau này thấy nói là quán rượu ông Thọ đã tồn tại được hơn nửa thế kỷ. Song tôi chưa từng gặp ông Thọ, mà chỉ thấy hai người phụ nữ là mẹ con điều hành tửu quán, con làm mồi nhậu, mẹ rót rượu tính tiền.

Có một nhân vật rất ấn tượng đã hằn sâu trong tâm trí của tôi tại tửu quán này. Đó là một người đàn ông to cao, tóc hơi xoăn, nước da xám kiểu lai giữa da đen và da vàng. Ông ta luôn mặc bộ quần áo kiểu lính Pháp, may bằng vải kaki, có các túi vuông to tướng.

Người đàn ông hộ pháp này luôn ngồi ở ghế cao gần cửa ra vào, chỉ uống rượu sếch, ực hết một chén hoa hồng rồi đứng dậy trả tiền và ra về. Một ngày, ông ta thường ghé quán làm vài chầu như thế, uống sếch, uống xong đi, không ngồi kề cà, nhâm nhi.

Tôi ngờ rằng, ông là một đứa con lai của người lính lê dương gốc Phi nào đó với một người đàn bà Việt ở đây. Hồi xưa, ở vùng này có câu tục ngữ: Trai Ngõ Trạm (cạnh chợ Hàng Da, tụ tập đám lính thuộc dạng lính cậu cậy thế quan nên ngạo ngược), gái Tạm Thương (vốn là gái bán hoa từ đâu về đây phục vụ lính Pháp nên nanh nọc, đàng điếm). Chỉ là suy đoán thế thôi, chứ chẳng biết thực hư ra sao.

Thời gian qua mau, con ngõ Tạm Thương giờ là điểm ăn vặt chơi bời từ xế chiều tới đêm khuya. Chẳng còn rượu rắn hay ông hộ pháp kỳ lạ nữa, thay vào đó là cơ man hàng nem chua rán, nem rán, khoai tây chiên. Đếm sơ sơ cũng phải có đến chục quán nem chua rán, kéo từ đầu ngõ đến ngã ba vách đình Yên Thái.

Tôi vẫn nhớ chén rượu rắn tanh tanh của một chiều mưa năm 1997 đó. Nó bắt thứ ánh sáng âm dương khiến lời của người bạn ngả nghiêng những vần thơ liêu xiêu của thi sĩ Chế Lan Viên về con ngõ Tạm Thương:

Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời đâu phải Tạm Thương!
 
Bên trên