Đi ăn hủ tiếu Nam Lợi... để tập thiền

TRng

Well-known member
Người sành ăn ở thành phố Hồ Chí Minh không ai là không biết tiệm hủ tiếu cá Nam Lợi nằm trên con phố Tôn Thất Đạm đoạn sắp gặp Hàm Nghi, thuộc khu vực Chợ Cũ.
Đi ăn hủ tiếu Nam Lợi... để tập thiền
Bát hủ tiếu Nam Lợi.
Tiệm này nổi tiếng hơn 60 năm qua bởi 3 yếu tố: Ngon - Đông - Chảnh. Và có thể thêm vào một đặc tính khác nữa là Đắt.
Thứ hủ tiếu “danh chấn giang hồ” của Nam Lợi là hủ tiếu cá. Độc giả không lạ gì món ăn này, bởi Báo Lao Động Cuối tuần đã giới thiệu quán hủ tiếu cá chân cầu Calmette cũng trải qua “80 năm cuộc đời” ở vài số trước. Tuy nhiên, cho dù vẫn là sợi hủ tiếu dai mềm, vẫn là miếng cá lóc, nhưng ở Nam Lợi, giá luôn cao hơn khoảng 40%.
Một tô hủ tiếu cá của Nam Lợi "sương sương" cũng phải 90.000 đồng. Nếu bon miệng xơi thêm chiếc bánh pa-tê-sô (pátê chaud) thì cũng mất tới 100.000 đồng. Mặc dù đắt thế, thực khách vẫn cần giữ thái độ duyên dáng, không cáu gắt, không nóng giận, không khởi tâm Tham - Sân - Si, luôn ung dung tự tại như thiền sư Ô Sào mới được.
Trò chuyện với họa sĩ Đỗ Duy Ngọc, một cây ẩm thực ngang dọc Sài Gòn hàng chục năm qua, mới thấy cung cách phục vụ của Nam Lợi thật “danh bất hư truyền”. Ông kể rằng, không chỉ chủ tiệm kênh kiệu, lầm lỳ, khó gần, ghét bắt chuyện mà ngay cả cánh nhân viên phục vụ cũng luôn trưng vẻ mặt hoặc “phớt Ăng-lê” hay khó đăm đăm.
Những nhân viên ở đây không hách dịch, quát mắng như “cháo Mỹ, ngan Nhàn, bún Ngô Sĩ Liên” ngoài Hà Nội, mà chỉ gây ức chế cho bạn bởi gương mặt “cứng đơ như cây cơ”. Họ chỉ có duy nhất một biểu cảm cho toàn bộ mọi câu hỏi, yêu cầu lẫn thỉnh cầu của khách là không phản ứng.
Có nhiều ngôi sao của làng giải trí vào quán, ngỡ như mình sẽ được ưu đãi, khỏi có luôn, đến tiệm vẫn phải chờ nửa tiếng, mồ hôi toát ra, trôi hết trang điểm như thường. Đến lãnh đạo của quận ghé Nam Lợi ăn sáng, thì cũng mời vào tự tìm chỗ ngồi, kêu món, rồi ngồi đợi 15 - 20 phút như mọi người.
Ở tiệm hủ tiếu Nam Lợi, khách hàng thuần túy là khách hàng, chứ chẳng phải thượng đế gì sất. Ở nơi khác, bạn có thể kêu tô hủ tiếu mỳ gồm cả sợi mỳ lẫn sợi hủ tiếu cho đa dạng việc ăn, hoặc gọi một tô thập cẩm cá gà lẫn lộn. Nhưng ở đây, chỉ có thể gọi mỳ hoặc hủ tiếu, không bao giờ có hủ tiếu mỳ, muốn ăn như thế thì gọi 2 tô và tự trộn.
Cái sự “chảnh” này của tập thể chủ và nhân viên quán có thể xuất phát từ việc quán luôn đông khách. Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc khuyên: “Trông vậy thôi, chủ quán nhớ hết thứ tự khách và yêu cầu gọi món. Nhưng chớ có mà nhắc đi nhắc lại, hay giục giã làm gì. Vô ích, thà vạch đầu gối ra nói chuyện còn hơn”.
Hủ tiếu Nam Lợi đông đến nỗi nhà biên kịch Bình Bồng Bột - một khách ruột khác - từng mô tả kiểu tiếu lâm bác Ba Phi như sau: "Một người đàn ông sáng sớm ra khỏi nhà cạo râu, vào tiệm kêu tô hủ tiếu, lúc bưng ra thì râu đã dài lại rồi. Con bé trước khi vào quán trượt chân té chảy máu đầu gối, đến khi cái gối đóng vảy rồi tô hủ tiếu mới bưng ra”.
Thành ra, xác định vào quán buổi sáng thì phải tập thiền. Chớ tức giận, hối thúc vì cũng vậy thôi. Nhưng mà hủ tiếu Nam Lợi ngon thật, xứng đáng để ta tu tâm dưỡng tính chờ thưởng thức. Hủ tiếu đúng điệu vừa dài, vừa mềm, nhai đến đâu sướng đến đấy, còn cá lóc thịt đậm đà, tươi ngon giòn ngọt.
Khác với hủ tiếu cá ở cầu Calmette, nước lèo của hủ tiếu Nam Lợi có sắc đục mờ, không được trong trẻo. Tuy nhiên, vị ngọt đậm đà mà vẫn rất thanh của nước lèo hầm từ xương heo cùng lát cá lóc tươi ngon sẽ nhanh chóng khiến khách hài lòng.
Ngoài hủ tiếu cá, Nam Lợi còn nổi danh với mỳ gà khô. Mỳ tươi vàng óng ả, đậm đà vị ngậy béo kết hợp cùng thịt gà được xé phay, giấm tiều, tóp mỡ đem đến vị ngon ngất ngây, làm bùng nổ vị giác, khiến ta không thể dừng ăn, dù chỉ để hớp một miếng nước lèo cho êm.
Cái ngon cứu rỗi tất cả, cứu bản mặt lạnh như kem của chủ quán, cứu thái độ vô tri của nhân viên, cứu thời gian đợi dài như “cổ hươu cao cổ” vì quá đông đúc. Đơn giản vì hủ tiếu Nam Lợi quá ngon, đến độ, người ta chỉ thấy sung sướng chứ nào có khổ đau gì.
Nhưng sau khi ăn hủ tiếu cá ở Nam Lợi mà không ăn... bánh pa-tê-sô thì kể như là không trọn vẹn. Loại bánh này không hiểu sao chỉ thấy ở quán hủ tiếu Nam Lợi hay Liến Húa và các hiệu bánh tây đẹp lung linh, thơm mùi bơ sữa.
Cái tên pa-tê-sô nghe rất... Pháp, bởi nó cấu thành từ 2 từ tiếng Pháp là paté và chaud (nóng) nhưng thực ra là thứ bánh rặt Việt Nam, do người Hoa ở Sài Gòn nghĩ ra.
Cấu trúc của bánh pa-tê-sô khá giống bánh xíu páo (bánh bao nhỏ) của người Hoa sống ở Nam Định, một thứ bánh bao không hấp mà nướng nên có màu vàng mỡ màng, thơm nức nở. Tuy nhiên, vỏ bánh pa-tê-sô làm bằng thứ bột nghìn lớp nên mềm mại hơn xíu páo.
Song, phần nhân của 2 loại bánh này khá tương đồng với thịt băm nhỏ trộn cùng dầu hào, hành băm, nước mắm... chỉ là không có trứng cút, trứng gà, trứng vịt như bánh bao và xíu páo mà thôi. Tuyệt nhiên, không có pa-tê, thứ nhân dễ làm người ta liên tưởng khi nghe tên bánh lần đầu.
Nhưng cho dù pa-tê-sô là do người Hoa nghĩ ra, dù mang tên Pháp nhưng thứ bánh điểm tâm ngon lành này lại bén rễ ở Sài Gòn và trở nên thân thuộc. Phần vỏ bánh pa-tê-sô của Nam Lợi giòn mà không quá dày, còn phần nhân không quá nhiều nhưng cũng đủ đem đến sự thống khoái khi ăn.
Và cái bánh pa-tê-sô của tiệm hủ tiếu Nam Lợi cũng là thước đo mức độ trung thành, hiểu biết của khách hàng với chủ quán. Những nhân viên bưng bê mặt luôn khó đăm đăm khi đem bánh pa-tê-sô ra cho khách, thường liếc liếc xem khách ăn kiểu gì.
Nếu là khách quen, khách cũ, khách truyền thống thì sẽ khoan thai cầm bánh lên rồi thả vào bát hủ tiếu đã xơi sạch, chỉ còn lại một chút nước lèo. Sau đó, dùng đũa gắp bánh để cắn hoặc dùng thìa xắn bánh như một món bánh nước.
Ăn như thế mới là đúng kiểu Nam Lợi, bởi hương vị béo, thơm của nước lèo và pa-tê-sô sẽ hòa quyện với nhau, đẩy cái ngon của nhau lên tầng mới. Chứ còn kiểu cầm bánh lên để ăn luôn thì sẽ phải nhận nụ cười nhẹ như cánh ruồi kiểu vẫn còn “gà nhà quê mới lên phố” lắm người ơi!
 
Bên trên