Kinh nghiệm phượt đường đèo núi bằng mô tô phân khối lớn

Hồ Thị Thanh Trà

Well-known member
Phượt miền núi bằng mô tô phân khối lớn là một trải nghiệm đòi hỏi không chỉ đam mê, mà còn kiến thức, kỹ năng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Kinh nghiệm phượt đường đèo núi bằng mô tô phân khối lớn
Những chuyến đi phượt lên vùng miền núi luôn để lại cảm giác ấn tượng với thiên nhiên trong lành. Ảnh: Trần Lâm
Không phải xe nào cũng “lên núi” được
Miền núi không phải nơi để thử nghiệm tốc độ thuần túy. Những chiếc sportbike như R1 hay ZX-10R, vốn sinh ra cho đường bằng và đường đua, sẽ gặp khó khăn thực sự ở những khúc cua gắt, mặt đường lồi lõm hay dốc đứng liên tiếp.
Đó là lý do các dòng Adventure, Touring hoặc Cruiser hạng trung và lớn như BMW GS, Harley-Davidson Softail, Honda Africa Twin, Triumph Tiger... thường được giới chơi xe lựa chọn cho những cung đường Tây Bắc, Đông Trường Sơn hay Hà Giang - Mèo Vạc.
Những chiếc xe này nổi bật nhờ khung sườn cứng cáp, hệ thống treo linh hoạt và lực kéo ổn định ở vòng tua thấp - yếu tố quan trọng để leo đèo, ôm cua, và đổ dốc an toàn.
Kiểm tra kỹ thuật - điều kiện tiên quyết
Trước mỗi hành trình, không bao giờ coi thường việc kiểm tra kỹ thuật.
Một chiếc xe dù đắt tiền đến mấy mà phanh yếu, lốp mòn hay hệ thống điện chập chờn, thì cũng có thể biến chuyến đi thành ác mộng giữa lưng đèo.
Các hạng mục cần kiểm tra kỹ gồm: Phanh (cả trước và sau), lốp xe (áp suất, độ mòn), xích - nhớt - két nước - đèn - GPS - xi nhan... Nếu đi đường dài, lọc gió và bugi cũng nên được vệ sinh hoặc thay mới.
Với xe Harley hoặc các dòng mô tô Sport Touring (dòng xe chuyên dùng để đi đường dài, mặt đường đẹp) nặng trên 350kg, cần kiểm tra thêm pô, chân chống, thùng xe - tránh va chạm vào gờ đường núi.
Đồ đạc mang theo: Gọn, đủ, và an toàn
Một biker miền núi đúng nghĩa không “kéo cả căn phòng theo sau lưng”. Nguyên tắc “ít mà chất” luôn được ưu tiên.
Trang bị mũ bảo hiểm fullface hoặc Adventure đạt chuẩn DOT. Giáp bảo hộ đầy đủ (gối, khuỷu, lưng, vai), găng tay chống trượt, giày moto chuyên dụng.
Balo chống nước hoặc thùng hông chứa: quần áo nhẹ, áo mưa, bình nước, đèn pin, dụng cụ sửa xe đơn giản, sạc dự phòng, bộ y tế cá nhân.
Điện thoại có bản đồ offline hoặc thiết bị dẫn đường GPS riêng. Một số vùng núi như Mường Lát, A Pa Chải, Pù Luông thường mất sóng di động.
Kỹ năng lái xe đèo: Không chỉ là ga và thắng
Không ít tai nạn xảy ra do người lái chủ quan với đường đèo. Cách xử lý xe mô tô phân khối lớn trên đèo hoàn toàn khác khi đi đường trường.
Đổ đèo không được cắt côn hay để số “mo”, mà phải dùng số thấp để ghìm tốc độ. Vào cua gắt phải giảm tốc từ trước, giữ tay ga đều khi ôm cua, tránh bóp thắng giữa đoạn cua.
Luôn giữ khoảng cách với xe trước, nhất là khi đi theo đoàn. Tuyệt đối không chạy đêm nếu không quen đường hoặc không có người dẫn đoàn kinh nghiệm.
Chuẩn bị giấy tờ và an toàn pháp lý
Ngoài kỹ năng và xe tốt, không thể thiếu các loại giấy tờ: Bằng lái A2, giấy đăng ký xe, bảo hiểm dân sự bắt buộc, CMND/CCCD. Nên photo sẵn để phòng trường hợp mất mát.
Với đoàn đi xa, có thể lên lịch trình chi tiết gửi cho người thân hoặc cơ quan chức năng địa phương khi cần hỗ trợ.
Phượt núi bằng mô tô phân khối lớn không dành cho người nông nổi. Đó là cuộc hành trình của ý chí, kỷ luật và sự chuẩn bị. Không phải ai cũng làm được - nhưng với những ai đủ đam mê, tiếng pô giữa núi rừng, làn gió vút qua tay lái, và những khúc cua đầy thử thách sẽ là kí ức không thể nào quên.
 
Bên trên