toringuyen0509
Well-known member

Đứa em mình mới vào đại học, từ trước đến giờ nó chỉ dùng máy tính Windows, nay để dành được một chút mua MacBook Air M1 để phục vụ mục đích học tập, nó học quản trị kinh doanh thì mới hỏi mình rằng dùng MacBook có được không, rồi dùng nó khác với Windows nhiều không. Sẵn trong chủ đề này mình muốn chia sẻ với anh em đang định chuyển hoặc vừa chuyển từ hệ điều hành Windows sang macOS thì bước đầu cần làm quen với những thứ gì.
Khác với Windows, khi macOS được cài đặt sẵn và mặc định là đầy đủ tính năng khi anh em mua máy tính Mac rồi, không còn kiểu mua bản quyền như Windows nữa. Thực ra những chiếc máy tính Windows hiện tại cũng đều có bản quyền sẵn khi mua máy, nên việc này có thể yên tâm.
Okie, như vậy khi mua máy Mac mới về thì cần làm quen với những điều gì, trước hết hãy nói về màn hình Home trước đi ha.
Làm quen với màn hình Home
Đây là màn hình desktop của macOS, anh em sẽ thấy không có icon ứng dụng chằng chịt như bên Windows, nó có một khu vực riêng gọi là thanh Dock, mặc định sẽ nằm ở cạnh dưới màn hình, nhưng mình chuyển nó lên bên phải, cái này tương tự như taskbar vậy, nhưng với Windows 11 thì anh em không thể di chuyển taskbar.
![[IMG]](https://photo2.tinhte.vn/data/attachment-files/2023/09/8113577_Screenshot_2023-09-09_at_12.24.30.png)
Nếu anh em có thói quen chuột phải → Refresh bên Windows thì với macOS anh em có thể bỏ nó đi là vừa. Start menu cũng tương tự như vậy, macOS thì anh em chỉ có làm quen với LaunchPad, một cửa sổ chứa tất cả các ứng dụng đã được cài đặt lên macOS, nó cũng phần nào tương tự với Start menu của Windows.

Phía trên cùng của màn hình Home là menu bar, đây là nơi sẽ chứa những tính năng chính khi anh em mở một ứng dụng, ví dụ khi mở Finder thì thay vì thanh Ribbon với những tính năng nằm hẳn bên trong cửa sổ ứng dụng thì với macOS thì nó nằm hẳn lên menu bar, áp dụng cho mọi ứng dụng.

Nói riêng về Finder thì nó giống như File Explorer bên Windows vậy, nhưng nó không có tính năng tạo file trong một folder cụ thể như Windows đâu, nếu anh em có thói quen tạo file Word, Excel, PowerPoint này nọ trong File Explorer thì với macOS cũng có thể quên nó đi, có cách đó, nhưng mình sẽ chia sẻ với anh em trong một bài riêng nha.
Bên phải của menu bar là hiển thị thời gian, ngày tháng, Control Center và một số tinh chỉnh nhanh của các ứng dụng. Để mở Notification Center thì anh em chỉ cần click vào cột thời gian là được, hoặc vuốt hai ngón từ mép phải của touchpad vào trong.

Control Center là nơi anh em có thể tinh chỉnh về Wi-Fi, Bluetooth, độ sáng, Stage Manager, pin….

Hiện tại phiên bản macOS mới nhất là Ventura, mình thì đang ở Sonoma bản beta rồi nên nó có thêm tính năng đem widget ra ngoài màn hình Home, còn Ventura thì chưa có nha anh em.
Spotlight, đây là công cụ tìm kiếm rất mạnh mẽ trên macOS, nó có thể giúp anh em tìm kiếm, tính toán, đặc biệt là tìm kiếm mọi thứ có trên máy tính Mac của anh em luôn. Để dùng Spotlight thì chỉ cần nhấn Cmd + Space (phím cách). Spotlight hoạt động được ở mọi cửa sổ, nên cứ cần tìm gì thì dùng Spotlight thôi.

Cách cài đặt ứng dụng, xoá ứng dụng trên macOS
Theo thói quen ở Windows thì anh em luôn có một file cài đặt dạng có đuôi .exe, còn với macOS thì việc cài đặt ứng dụng nó đơn giản hơn nhiều. Sẽ có 4 cách để cài đặt một ứng dụng lên macOS: kéo thả, qua file cài đặt, Mac App Store và ứng dụng iOS.
Đa phần, các ứng dụng trên macOS sẽ được cài đặt theo dạng kéo thả, anh em chỉ việc kéo thả icon app vào thư mục Applications là được, nó trông như hình bên dưới.

Cách hai là qua file cài đặt, thường sẽ gặp khi anh em cài một ứng dụng Universal, nó cũng hiển thị một trình cài đặt giống như bên Windows luôn, chỉ việc nhấn Next là xong.
Cách ba là qua Mac App Store, nó đơn giản như việc tải ứng dụng trên iOS thôi.
Cách 4 là sử dụng ứng dụng iOS, do sử dụng chung một nền tảng vi xử lý giống nhau nên việc port ứng dụng iOS qua macOS là chuyện không khó.
Để xoá một ứng dụng trên macOS, nó cũng đơn giản như việc cài ứng dụng vậy, anh em chỉ cần kéo thả icon ứng dụng trong LaunchPad hoặc trong thư mục Applications vào trong thùng rác là xong, hoặc dùng phím tắt Cmd + Delete. Để xoá trọn vẹn thì chỉ việc xoá trong thùng rác nữa là xong.

À, sẵn nói về việc xoá ứng dụng, đối với một cửa sổ ứng dụng đang mở, nếu anh em nhấn dấu X (ô tròn màu đỏ ngoài cùng bên trái) thì nó chỉ đóng cửa sổ thôi, không đóng hẳn ứng dụng, nên vẫn phần nào đó chiếm tài nguyên. Để đóng hẳn ứng dụng (cửa sổ) đang mở, anh em nhấn Cmd + Q nha.
Cách hai là với những ứng dụng của Adobe, của Microsoft thì nó có một công cụ xoá ứng dụng riêng, bật công cụ đó lên và làm theo hướng dẫn là xong.
Thao tác với Trackpad
Touchpad trên macOS là một trong những phần cứng ngon nhất trên laptop nói chung, có thể khẳng định là như vậy. Nhờ sự tối ưu tốt giữa phần cứng và phần mềm của Apple đã giúp cho Trackpad của MacBook trở nên tuyệt vời.
Về cơ bản, các thao tác trên Trackpad bao gồm sử dụng 2 ngón tay, 3 ngón tay, 4 ngón tay và thậm chí là 5 ngón tay.
Trong cài đặt của macOS đã có những chỉ dẫn rất cụ thể, anh em có thể vào Settings (System Preferences) → Trackpad để tìm hiểu.
Dùng 2 ngón tay lướt lên/xuống để cuộn, double tap 2 ngón tay vào trackpad để zoom. Ngoài ra, nhấn mạnh bằng 2 ngón tay vào Trackpad để mở context menu chuột phải.
